Cây có thân và cành khúc khuỷu nên được trồng làm bonsai, toàn cây có nhựa mủ trắng được dùng để chữa các bệnh thường gặp rất hiệu quả.
Theo các thầy thuốc, vỏ cây duối chứa các chất asperosid, streblosid và một pregnan glycosid. Ngoài ra còn có n-triacontan, tetracontan-3-on, β-sitosterol, stigmasterol, betulin và acid oleanolic. Chất streblosid có thể so sánh với digitoxin. Chất đắng của vỏ duối có tác dụng đối với cơ tim tương tự adrenalin. Vỏ rễ duối cũng chứa glycosid có tác dụng trợ tim…Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã nghiên cứu thành công nước súc miệng không cồn từ rễ cây duối giúp làm sạch và ngăn ngừa ung thư miệng.
Theo Đông y, duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu và sát khuẩn. Nhiều nơi đã sử dụng cây duối để chữa các bệnh giun chỉ, hủi, đau răng, tiêu chảy, ung thư, nhiễm khuẩn đường tai mũi họng.
Vỏ duối dùng chữa bệnh phong thấp đau nhức, sâu răng, đau bụng, sốt, tiêu chảy, lỵ, đắp bó chữa gẫy xương. Cành và rễ duối thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu, chữa bụng trướng. Vỏ rễ chữa đái đục, bí đái, bệnh giang mai và trị rắn cắn. Liều dùng 12-20g. Thuốc đắp từ rễ duối trị loét, sưng tấy và mụn nhọt có mủ.
Nhựa mủ duối có tác dụng sát khuẩn; tẩm vào giấy bản rồi dán hai bên thái dương để chữa nhức đầu, hoặc dùng đắp chỗ nứt nẻ ở tay và gót chân. Trong dân gian, người ta còn dùng chữa đinh nhọt, chốc lở…
Dưới đây là các ứng dụng khác của cây duối:
- Chữa băng huyết, kiết lỵ, lợi sữa: Lá duối (20 g) sao vàng sắc uống.
- Chữa đái rắt, đái buốt, nước đái đục: Vỏ rễ duối, rễ nhót, mỗi vị 20g, sao vàng, sắc uống.
- Chữa sâu răng: Vỏ duối sắc đặc ngậm. Hoặc vỏ duối, củ gấu, hai vị bằng nhau, ngâm rượu 700 trong 1-2 tuần. Sau đó tẩm vào bông rồi đặt vào chỗ sưng, đau.
- Chữa gãy xương: Vỏ duối giã nhỏ với lá thanh táo, dây tơ hồng và chuối tiêu, đắp bó nên ngoài nơi gãy xương.
AloBacsi.vn
Theo BS Mỹ Nữ - Nông Nghiệp Việt Nam
Theo BS Mỹ Nữ - Nông Nghiệp Việt Nam
0 comments:
Post a Comment