Lâu nay, với không ít học viên, đóng tiền học liên thông giúp cho họ thực hiện được ước mơ có cơ hội cầm tấm bằng đại học chính quy sau 5 năm, nhất là khi bị rơi vào cảnh “học tài thi phận”. Thế nhưng, từ ngày 7-3 tới, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học sẽ có hiệu lực với việc học viên vẫn phải tham gia thi tuyển sinh đầu vào như lệ thường. Điều này đã khiến nhiều học viên đang học hệ liên thông khá hoang mang.
Kiến thức của những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh “ba chung” năm 2013 hệ liên thông là rất hạn chế, bởi sau 2 năm học hệ trung cấp hoặc ba năm hệ cao đẵng thí sinh chỉ lo học chuyên ngành. Theo quy định mới này việc thi liên thông như vậy thí sinh dự thi sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Quy định mới về liên thông đang "làm khó" nhiều sinh viên CĐ, Trung cấp.
Theo quy định mới, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng đủ 36 tháng khi thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học hệ chính quy phải dự thi 3 môn, gồm: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).
Những người chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hằng năm. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới về đào tạo liên thông, trong dư luận xã hội đã có những ý kiến trái chiều. Người thì đồng tình “siết chặt” để nâng cao chất lượng, còn phía đối lập cho rằng đó là “chặn đường” của những người muốn học tiếp.
Bạn Nguyễn Hồng, SV vừa tốt nghiệp hệ CĐ Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết: “Năm 2009 mình thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thiếu 0,5 điểm nên nguyện vọng sang Trường CĐ Nội vụ. Giờ tốt nghiệp, muốn thi liên thông sang Trường ĐH Lao động Xã hội nhưng nếu phải thi “3 chung” với học sinh phổ thông quả thực rất khó vì 3 năm học CĐ, kiến thức phổ thông rơi rụng gần hết”.
Thậm chí, ngay sau khi quy định vừa công bố, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện “Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông” với gần 3.000 lượt thành viên “like”. Một số bạn trẻ tìm cách phản hồi thông tin tới các cơ quan chức năng. Như trường hợp sinh viên Nguyễn Mạnh Cường đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận để xin “gia ân”.
Trong thư, bạn Cường đã chia sẻ: “Thưa Bộ trưởng, khi biết được quy định này, em gần như òa khóc. Ba năm học trôi qua, bao công sức nuôi ăn học của bố mẹ em, ước mơ vào đại học sắp thành thì dường như tan vỡ hết cả. Bởi chúng em đang ở trong một tình hình rất éo le. Muốn học liên thông thì phải thi kỳ thi ĐH. Vậy kiến thức 3 năm học CĐ đó của em để làm gì? Nếu thi như ĐH thì em lại phải đi ôn luyện như học sinh phổ thông. Còn để sau 3 năm đi làm để lấy kinh nghiệm thì lúc đó mới thi liên thông, liệu kiến thức em có còn không?”.
Cơ sở đào tạo cũng gặp khó
Bên lề Hội nghị tuyển sinh 2013 vừa được tổ chức tại Hà Nội tháng 1/2013, đại diện của các trường ĐH, CĐ cũng như đại diện các Sở GD-ĐT đều bày tỏ sự lo ngại trước việc Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 55 nhằm “siết” liên thông.
Ông Vũ Ngọc Phương, phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội nói: “Người học trung cấp thì trình độ đã kém lại phải thi chung với học sinh phổ thông thì quá khó, đã liên thông thì đại đa số các em không trúng tuyển đại học nên phải đi học trung cấp, trước đây thi theo chương trình trung cấp còn bây giờ thi “ba chung” nên các em phải thi kiến thức cấp ba việc này là đánh đố thí sinh”.
Bộ GD-ĐT kiên quyết "siết" liên thông để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Việc ra đời thông tư để chấn chỉnh chất lượng cũng như phân luồng sinh viên là chủ trương rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chuyển đột ngột từ thái cực quá dễ đến quá khó thì hơi “chặt” cho các trường cũng như cho sinh viên. Thông tư có quy định chỉ tiêu liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy rồi. Bộ cũng có quyền kiểm tra, giám sát.
Với quy định này, rất nhiều em thi luôn vào ĐH, nếu không trúng tuyển mới vào CĐ và TCCN, nghề. Các em phải chờ đủ 3 năm mới thi liên thông thì nhóm sinh viên này cũng “nản” rồi”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Chúng ta cũng cần nghĩ đến một điều lớn hơn nhiều. Đó là mục đích khi mở các trường nghề, TCCN là gì? Nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trong việc phân luồng thế nào? Không phải vẽ ra một con đường vòng, thậm chí đôi lúc việc đăng ký vào học các trường này trở thành đường tắt (tắt chương trình, tắt yêu cầu) để có thể vào ĐH với chất lượng thấp hơn so với yêu cầu”.
Cũng theo quy định này, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của cơ sở giáo dục đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục đại học.
Vài năm nay, khi gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, để cứu vãn tình hình, không ít trường đại học đã phải đề nghị Bộ GD-ĐT cho chuyển chỉ tiêu chính quy sang chỉ tiêu liên thông từ chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy sang hệ liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi so với chỉ tiêu đã xác định.
Và với quy định “chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy”, lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập chua chát nhận định Bộ tiếp tục chặn nốt “đường sống” của trường.
Năm 2008, Bộ GD-ĐT khi ban hành Quy chế đào tạo liên thông đã giao tự chủ cho hiệu trưởng của các trường. Nhưng sau một thời gian, hệ đào tạo liên thông đã biến tướng và trở thành “nồi cơm” của một số trường với việc tuyển ồ ạt hàng nghìn sinh viên, tạo ra môi trường đào tạo bát nháo, kém chất lượng khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng đối tượng này.
Đến năm 2013, Bộ GD-ĐT đã nêu quyết tâm chấn chỉnh các hình thức đào tạo kém hiệu quả mà hình thức “siết chặt” cửa liên thông là một ví dụ điển hình. Trước thông tư này, cả ý kiến người được đào tạo và người làm công tác đào tạo đều cho thấy sự chưa thông hiểu và còn nhiều băn khoăn lo ngại chưa được giải đáp cụ thể.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, việc “siết” hình thức đào tạo liên thông là điều đúng đắn và cần thiết phải làm, bởi chất lượng giáo dục có tăng thì chất lượng nguồn nhân lực mới tiến bộ; từ đó mới có thể góp phần nâng cao vị thế ngành giáo dục của Việt Nam.
Nhã Anh
0 comments:
Post a Comment