Wednesday, March 16, 2011

Thằng Quỷ Nhỏ -2

8:39 PM

Khải không hiểu mình xử sự như vậy là đúng hay sai.

Vừa bước đến bên cửa sổ, với những gì mắt thấy tai nghe, Khải biết ngay chuyện gì đang xảy ra.

Trong kia, Nga và Quỳnh đang bị tấn công. Phía ngoài, cánh thằng Luận đang ra sức chọc ghẹo. Lại những trò quỉ quái ! Khải bực tức nhủ bụng và anh quay sang nhìn Luận. Vẻ lấc cấc của Luận khiến Khải cau mày. Anh định tóm cổ nó như lần trước. Nhưng Khải chưa kịp đưa tay lên, chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu như tia chớp. Ừ, có khi cứ để tụi thằng Luận phá đám như vậy lại hay ! Những ngày gần đây, Nga và Quỳnh lại tỏ ra thân mật một cách quá đáng. Cứ nhìn thấy cảnh cả hai ngồi trò chuyện bên nhau không buồn ra chơi, Khải muốn xốn con mắt.

Mặc dù đã xác định "chinh phục" những nhân vật phụ trước, "chinh phục" Nga sau, nhưng mỗi lần thấy Nga và Quỳnh cười nói vui vẻ, Khải cảm thấy khó chịu lạ lùng. Muốn "giải tán" cặp này không có cách nào tốt hơn là để mặc cho tụi thằng Luận ra tay.

Nghĩ vậy, Khải ngần ngừ một thoáng rồi lặng lẽ bỏ đi trước cặp mắt sửng sốt của Luận. Tất nhiên, nếu lúc đó Nga nhìn thấy Khải, hẳn Khải phải buộc lòng can thiệp. Nhưng Nga đang cúi đầu xuống. Vì vậy, Khải quyết định rời xa "chiến trường". Anh bước vội vã, sợ Nga kịp ngẩng lên.

Khải bỏ đi. Nhưng lòng Khải không thanh thản lắm. Anh cảm thấy mình hành động như một kẻ tiểu nhân. Nhưng rồi Khải cố trấn an. Mình đâu có xúi tụi thằng Luận làm bậy. Tự tụi nó. Điều đó chẳng liên can gì đến mình. Nga thân thiết với thằng quỷ nhỏ thì Nga phải chịu búa rìu của dư luận. Chuyện đời là vậy. Gieo gió thì gặt bão, trách ai bây giờ!

Khải tự thanh minh với mình. Lòng Khải dần dần nhẹ nhõm. Và anh tự kết luận: chiến trường trong lớp là của thằng quỷ nhỏ, chiến trường của mình là ở nhà... Nga, chuyện ai nấy lo, mình không can thiệp vào chiến trường của người ta là đúng, không việc gì phải băn khoăn!

Khải hết băn khoăn thật. Bây giờ anh chỉ tập trung đầu óc vào việc thực hiện kế hoạch chông gai của mình.

Chiến trường ở nhà Nga là chiến trường thầm lặng. Ở đó không có đám "âm binh" như tụi thằng Luận. Khải chẳng sợ ai trêu chọc. Cũng chẳng sợ ai phá đám. Ở đó, chỉ có "phe mình". Nga, chị Ngàn, thằng Ngoạn. Ông bố Nga, Khải ít gặp, nhưng Khải vẫn xếp vô diện "phe mình" nốt. Chỉ toàn là "phe mình" mà sao Khải thấy "khó ăn" ghê !

Trừ Nga, trong ba "nhân vật" còn lại, đến nay Khải chỉ mới chiếm được cảm tình của chị Ngàn.

Chị Ngàn thật dễ thương. Chị rất "hợp gu" với Khải, chẳng như Nga. Những băng nhạc Khải cho mượn, chị đều khen hay. Những cuốn sách cũng vậy, chị bảo đọc hồi hộp ghê. Nhưng khổ nỗi, những gì chị Ngàn thích, Nga đều chê. Nga chỉ thích những gì Khải không có. Thật chẳng có ai kỳ cục như Nga.

Thằng Ngoạn giống Nga y hệt. Nó tỏ ra chẳng có thiện cảm với Khải bao nhiêu. Lần nào gặp Khải, nó cũng réo ầm ĩ "bạn chị Ngàn, bạn chị Ngàn", nghe phát điên. Khải thù cái "điệp khúc" đó tận xương tủy. Nhưng ngoài mặt Khải vẫn phải nhe răng cười giả lả. Khải không hiểu sao trong hai người chị, thằng Ngoạn không chọn chị Ngàn mà giống, lại đi giống Nga chi cho khổ... Khải.

Ông bố Nga chẳng biết đi làm tận đẩu tận đâu, hai ba ngày mới về nhà một lần. Ông chẳng quan tâm gì đến Khải. Thỉnh thoảng gặp Khải trong nhà, ông cười chào qua loa, rồi đi đâu mất. Nhìn ánh mắt mệt mỏi và hờ hững của ông, Khải biết lần sau nếu gặp lại, chắc ông cũng chẳng nhớ Khải là ai. Khải đoán ông là một con người dễ chịu và hoàn toàn có khả năng làm... bố vợ tương lai của mình.

Gay go nhất vẫn là Nga, cái mục tiêu luôn luôn di động, Khải chẳng làm sao tiếp cận được. Lại thêm thằng quỷ nhỏ lúc nào cũng đeo dính lấy Nga như bóng với hình. Khải là lớp phó trật tự nhưng anh cũng chưa nghĩ ra cách nào để phá vỡ cái "trật tự" kia được. Chẳng biết cái đứa ác ôn nào lại xếp Nga ngồi vào cái chỗ hắc ám như vậy! Chắc là nhỏ Hạnh! Lớp trưởng gì mà chẳng ý tứ gì hết! Từ trước đến giờ, chẳng đứa con gái nào trong lớp chịu ngồi cạnh thằng quỷ nhỏ, vậy mà Hạnh lại nhét Nga ngồi vào chỗ đó. Để bây giờ Nga lại đâm ra "kết" thằng quỷ đó. Thật là tai họa!

Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Khải thấy không có cách nào khác hơn là phải "tăng tốc" để cứu vãn tình thế. Không thể lề mề hoài như Thủy Tinh được. Đi như cua bò, đến nơi thì Mỵ Nương đã theo người ta về dinh mất. Lúc đó chỉ có nước... khóc.

Khải liền tót qua nhà Nga. Lần này, Khải thủ trong túi áo ba cái vé xem ca nhạc.

Không thấy thằng Ngoạn quanh quẩn trước sân như mọi ngày, Khải thở phào. Chắc nó đi chơi đâu rồi. Thật là hên. Mình khỏi phải bị nó gán cho cái danh xưng chết tiệt kia. Khải hít một hơi đầy lồng ngực và thò tay mở cổng.

Chị Ngàn và Nga đều có nhà.

Nhưng cũng như mọi lần, Nga chỉ ngồi tiếp chuyện Khải một chút xíu. Sau đó, Nga bỏ đi mất.

Chị Ngàn nhún vai, nói với Khải:
-- Tính Nga vậy! Chị nói hoài mà nó chẳng sửa!

Khải chép miệng, không nói gì. Khải dã quen với tình cảnh như vậy rồi. Anh chỉ buồn chút chút. Và nghĩ: rồi mọi chuyện sẽ khác đi thôi!

Niềm hy vọng thầm kín giúp Khải tươi tỉnh. Anh thò tay vào túi lấy mấy tấm vé ca nhạc đưa cho chị Ngàn:
-- Chị đi xem ca nhạc không? Em có vé đây nè!

Chị Ngàn cầm lấy vé, hỏi:
-- Xem ca nhạc hả? Sao lần trước em bảo là đi xem phim?
-- Em nói đi xem phim là đi xem phim ca nhạc. Còn bây giờ là đi xem ca nhạc "sống", thích hơn nhiều!

Chị Ngàn gật gù:
-- Ừ hén!

Rồi chị nhìn Khải:
-- Đoàn nào diễn vậy? Phải đoàn ca nhạc Tháng Tám không?
-- Không, đây là tụi nước ngoài! Nhóm "Ngôi sao thành Stockholm" của Thụy Điển !

Chị Ngàn reo lên:
-- Ôi, vậy thì thật là tuyệt! Hóa ra đây là ban nhạc đến từ xứ sở của ABBA!

Rồi ngay lập tức, chị nhìn xuống mấy vé nơi tay, giọng hào hứng:
-- Chừng nào đi xem vậy?

Khải vui vẻ đáp, giọng anh cũng hào hứng không kém:
-- Tối mai. Bảy giờ rưỡi. Ngày giờ có ghi sẵn trên vé đó chị.
-- Ừ, tối mai chị sẽ đi với em.

Vừa nói, chị Ngàn mân mê mấy tấm vé với vẻ thích thú. Chợt chị ngước mắt lên nhìn Khải, giọng ngạc nhiên:
-- Ủa, em có tới ba vé lận hả?

Khải đâm ra lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của chị Ngàn. Từ nãy đến giờ, Khải tưởng chị Ngàn đã biết mình cầm mấy tấm vé trên tay. Và hẳn chị cũng biết Khải định "phân phối" tấm vé thứ ba ấy cho ai. Hôm trước chị chẳng đã nói "hôm nào có gì hay hay, Khải nhớ rủ chị và Nga đi với" là gì! Ai chứ chị Ngàn thì chị biết tỏng bụng dạ Khải. Vậy mà không hiểu sao hôm nay chị lại hỏi Khải một câu lơ đễnh như thế! Chị làm Khải cứ ấp a ấp úng.

Chị Ngàn dường như vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy ra. Chị có vẻ lấy làm lạ trước sự ngượng ngập của Khải. Chị đang định mở miệng hỏi, thốt nhiên chị sực hiểu. Và chị bật cười:
-- Chà, chị hỏi một câu ngô nghê quá!

Rồi không để Khải kịp nói gì, chị gục gặc đầu, chép miệng:
-- Để chị rủ Nga đi!

Chị Ngàn hứa hẹn, giọng chắc chắn như đinh đóng cột khiến Khải mừng rơn. Khải không ngờ kế hoạch của mình lại diễn ra trôi chảy đến như vậy. Suốt từ lúc đó cho đến khi ra về, Khải tưởng như mình đang ngồi lơ lửng trên mây.
-- Tối mai sao? - Chị Ngàn hỏi khi đưa Khải ra cổng.

Khải ngơ ngác:
-- Thì... đi xem ca nhạc chứ sao!

Chị Ngàn mỉm cười:
-- Nhưng mà em qua chị hay chị qua em?

Khải hắng giọng:
-- Thôi để em qua chị đi!

Chị Ngàn gật đầu:
-- Vậy chị và Nga đợi em ở đây khoảng bảy giờ hén?

Khải vui vẻ gật đầu và ra về trong tâm trạng hớn hở. Khải phải cố kềm chế để khỏi nhảy cẫng lên trước mặt chị Ngàn. Nếu trông thấy Khải múa may, hẳn chị Ngàn sẽ tưởng Khải điên. Và như vậy, chị sẽ không thèm cho Khải bén mảng đến nhà, không thèm đi xem ca nhạc với Khải. Và tối mai, hẳn chị sẽ không rủ Nga đi theo.

Tối mai, tối mai - Khải nghe những tiếng reo vang trong đầu mình - tối mai những ngôi sao thành Stockholm sẽ chiếu sáng đời ta! Tối mai, những người anh em của ABBA sẽ tạo cơ hội cho ta ngồi gần... bộ mặt khó đăm đăm của "nàng". Nhưng dù "nàng" có khó đến đâu, ta cũng sẽ có cách làm cho "nàng" thay đổi. Đột nhiên Khải chợt nhớ tới một điệu quen thuộc trong bài "Take a change on me", và anh lẩm nhẩm hát:
-- If you change your mind, I'm the first in line. Honey, I'm still free. Take a change on me...

Khải vốn không thích ABBA. Anh thích sự sôi nổi của Michael Jackson và Madonna hơn. Nhưng lúc này anh lại hướng trái tim mình về phía ban nhạc Thụy Điển. Và bản nhạc mà Khải đang thầm hát mới hợp tình cảnh làm sao. Vừa hát, Khải vừa thầm chuyển sang lời Việt. Tất nhiên, "bản dịch" này chỉ riêng anh nghe thấy:
-- Nếu Nga thay đổi ý kiến (Nghĩa là Nga nghỉ chơi với thằng quỷ nhỏ) Tôi sẽ là chàng trai đầu tiên đi theo Nga. Nga yêu dấu, bây giờ tôi đang còn tự do. Nga hãy thay đổi cuộc đời tôi đi!

Tâm đắc với "bản dịch" của mình, Khải cứ hát lui hát tới đoạn nhạc trên. Bất thần, như có ma xui quỷ khiến, Khải bỗng nhớ một bản nhạc khác. Cũng của ABBA. Bản "The day before you came". Một ngày trước khi em đến. Nghe từa tựa như hoàn cảnh của Khải. Với Khải, tình huống hơi khác một chút xíu. Em đến, nhưng không phải đến nhà, mà đến nhà hát. Khải tặc lưỡi: khác nhau chút xíu chẳng nhằm nhò gì! Tối mai dẫn Nga đi xem ca nhạc thì bữa nay the day before thì đúng :Dc rồi! Lần này, Khải tự soạn lời Việt và hát luôn. Anh không quên thêm mắm thêm muối vào bài hát:
-- Một ngày trước khi dẫn Nga đi chơi. Tôi mở cửa lúc tám giờ. Một ngày trước khi dẫn Nga vào rạp hát. Tôi ghé vào cửa hàng mua một ít chocolate. Một ngày trước khi ngồi... bên cạnh Nga. Tôi ăn tối và xem ti-vi...

Một ngày trước khi, Khải còn làm biết bao nhiêu chuyện nữa. Nhưng chuyện chiếm hết thì giờ của Khải trong ngày hôm đó là cho đến tận bảy giờ tối ngày hôm sau là... ngồi tưởng tượng đủ thứ.

Hôm sau, đồng hồ mới gõ sáu tiếng, Khải đã nhấp nhổm. Khải nhìn ra đường, thấy nắng chiều đã tắt nhưng đêm thì chưa tới. Còn cả một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ hẹn nhưng Khải đã ăn vận tươm tất, giày vớ sẵn sàng.

Trong khi chờ đợi, để đỡ sốt ruột, Khải ngồi sắp xếp lại những câu nói mà lát nữa đây Khải sẽ nói với Nga. Khải biết Nga không có thiện cảm với mình. Khải nghĩ chắc do anh ăn nói vụng về và thiếu... truyền cảm. Nhưng hôm nay, Khải đã tính toán đâu vào đấy. Trong suốt buổi đi chơi, anh sẽ nói với Nga tổng cộng bao nhiêu câu. Câu đầu tiên sẽ là câu gì, và "ngữ điệu" của nó phải ra làm sao. Rồi câu thứ hai, câu thứ ba... cho đến câu thứ một nghìn lẻ một, tất cả sẽ vẽ lên trước mắt Nga một hình ảnh duyên dáng về Khải. Và chỉ cần một buổi Nga chịu ngồi gần Khải thôi (chứ không phải bỏ chạy nửa chừng như những lần Khải ghé nhà), hẳn Nga sẽ nhìn Khải bằng cặp mắt khác. Và Nga sẽ cảm thấy ân hận về cách đối xử của mình với Khải trước đây. Lúc ấy, Khải không cần phải "đánh đấm" gì, thằng quỷ nhỏ cũng tự động "ngã gục". Thật tuyệt !

Cứ thế, Khải vừa ngồi mơ mộng vừa đưa mắt liếc chừng đồng hồ. Canh đúng bảy giờ kém mười, Khải lật đật dắt xe ra khỏi nhà.

Đón Khải trước cổng là chị Ngàn. Kế chị Ngàn là... chiếc xe đạp. Khung cảnh "hoang vắng" khiến tim Khải như thót lại. Anh bần thần hỏi:
-- Đi hai người hả chị ?

Chị Ngàn đáp, giọng buồn thiu:
- Ba người.

Khải như người chết vừa được cứu sống. Nhưng chưa kịp mừng, Khải bỗng chột dạ khi nhìn thấy nét mặt không vui của chị Ngàn. Anh lại hỏi, giọng hồi hộp:
-- Đi ba người sao trông chị buồn buồn vậy? Nga đâu?

Chị Ngàn chép miệng:
-- Ba người là Khải, chị với... thằng Ngoạn. Nga ở nhà.

Khải nghe như sét đánh ngang tai. Anh tròn mắt:
-- Sao vậy?
-- Nga bảo là Nga xem chương trình này rồi.

Giọng chị Ngàn nhẹ như gió thoảng nhưng Khải vẫn thấy tai mình ù đi.

Đúng lúc đó, thằng Ngoạn chạy ào ra, miệng reo lên hớn hở:
-- A, bạn chị Ngàn tới rồi! Hay quá!

Đang buồn bực, lại nghe cái giọng thằng Ngoạn tru tréo, Khải muốn phát khùng. Anh phải cố mím chặt môi để khỏi thốt ra một lời lẽ nặng nề. Nếu nó là em mình thì mình đã cho nó một đá văng tuốt lên cung trăng rồi, cái đồ mắc dịch ! Khải gầm ghè trong bụng. Anh tính làm thinh nhưng nỗi ấm ức đầy ứ trong lòng khiến anh không thể không "xả" ra được. Khải đành phải trút xự tức giận sang chỗ khác. Vừa đạp xe đi, Khải vừa lằm bằm:
-- Chết quách cả lũ đi, ABBA với ABBIẾC!

Chị Ngàn chở thằng Ngoạn đi trước, nghe loáng thoáng, liền ngoảnh lại hỏi:
- Em nói sao? Ban nhạc ABBA chết hết rồi à?
- Dạ, không... không...

Khải nuốt nước bọt. Lần này thì Khải cố nghiến chặt răng lại.





Một buổi sáng ngủ dậy, Nga ngạc nhiên thấy trong lọ hoa đặt trên đầu tủ buýp-phê có cắm một bông hồng.

Lọ hoa trước nay vẫn bỏ không và trong một thời gian dài, nó nằm cô độc và lạnh lẽo trên đầu tủ, nay tự dưng "nở" một bông hoa, trông nó tươi tắn hẳn lên.

Nga tò mò bước lại gần và phát hiện đó là một bông hoa giấy. Bông hoa được làm rất khéo, nhìn từ xa Nga cứ tưởng là hoa thật.

Không biết chị Ngàn kiếm ở đâu ra một bông hoa xinh xắn như thế này? Vừa ngắm nghía bông hồng, Nga vừa vẩn vơ tự hỏi.

Nga định hỏi chị Ngàn về bông hoa, nhưng rồi bận bịu sửa soạn quần áo sách vở để đến lớp cho kịp giờ, Nga quên béng đi mất.

Đến trưa đi học về, vừa bước vào nhà trông thấy lọ hoa, Nga mới sực nhớ.

Nga chạy đi tìm chị Ngàn. Nga bắt gặp chị đang ngồi gọt khoai dưới bếp. Nhưng Nga chưa kịp hỏi, chị Ngàn đã nheo mắt nhìn Nga, trêu:
-- Lúc này em "ghê" quá hén?

Nga ngẩn người:
-- Chị nói gì vậy?

Chị Ngàn vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi:
-- Chị nói lúc này em "ghê" quá hén!

Nga bối rối vuốt tóc:
-- Em làm gì mà chị bảo "ghê"?

Thấy Nga vờ vịt, chị Ngàn quyết định hỏi thẳng:
-- Vậy chứ anh chàng nào tặng hoa cho em vậy?

Nga ngơ ngác:
-- Làm gì có anh chàng nào tặng hoa cho em!
-- Em lại chối!
- Em không chối!
-- Vậy chứ bông hồng trong lọ hoa ở đâu ra vậy?

Nga há hốc miệng:
-- Ơ, em đâu có biết! Em tưởng chị cắm vào đó chứ! Em thấy bông hồng từ hồi sáng, định hỏi chị, rồi quên mất.

Tới lượt chị Ngàn sửng sốt:
-- Ủa, vậy không phải bông hoa của em hả? Vậy ai cắm hoa vào lọ kìa?

Nga chép miệng:
-- Em cứ tưởng chị!
-- Chị cứ tưởng em!

Nói xong, hai chị em nhìn nhau, cắn môi suy nghĩ.

Lát sau, chị Ngàn tặc lưỡi:
-- Hay thằng Ngoạn?

Nga lắc đầu:
-- Không phải đâu! Ngoạn làm gì có hoa mà cắm!
-- Vậy chứ ai? Chẳng lẽ nhà mình có ma?

Nga nhìn chị, giọng dè dặt:
-- Em nghi...

Chị Ngàn hồi hộp:
-- Em nghi sao?

Nga nói quanh:
-- Đây là hoa hồng!

Chị Ngàn sốt ruột:
-- Thì hoa hồng chứ sao!

Nga ngập ngừng:
-- Thì hoa hồng! Nhưng hoa hồng nó khác các loại hoa khác!

Chị Ngàn có vẻ bực bội:
-- Nói chuyện với em chán ơi là chán! Ai chẳng biết điều đó! Chứ chẳng lẽ hoa hồng nó lại giống các loại hoa khác?

Nga nhăn nhó:
-- Em nói khác là khác cái ý nghĩa kìa!

Đến đây thì chị Ngàn bắt đầu hiểu ra. Chị gật gù:
-- À, ý em muốn nói hoa hồng tượng trưng cho tình yêu chứ gì?

Nga lặng lẽ gật đầu.

Chị Ngàn mỉm cười:
-- Như vậy, chị biết em nghi ai rồi!

Thấy Nga làm thinh, chị Ngàn hỏi tới:
-- Em nghi Khải phải không?

Nga chớp mắt:
-- Em chỉ đoán vậy thôi.

Chị Ngàn nói, vẻ nghĩ ngợi:
-- Cũng có thể.

Rồi chị lẩm bẩm như tự nói với mình:
-- Khải đến chơi, và trước khi ra về, thừa lúc không ai để ý, Khải lén cắm hoa vào lọ, thế là...
-- Thế là sao? - Nga giương mắt nhìn chị.

Chị Ngàn cười:
-- Thế là Khải dã nói được điều mình muốn nói!

Nga "hứ" một tiếng :
-- Còn lâu.

Sau vụ đó, hai chị em thỏa thuận là sẽ không hỏi han gì Khải. Cứ để xem anh chàng này ranh mãnh đến độ nào. Thời gian gần đây, đọc mấy cuốn sách trinh thám Khải cho mượn, chị Ngàn cũng háo hức muốn thử làm thám tử một lần xem như thế nào. Và nếu chị có bắt quả tang Khải cũng chỉ để trêu Khải chơi, chứ chị chẳng muốn làm buồn Khải chút nào.

Nga lại khác. Ngay từ đầu, Nga đã muốn hỏi thẳng Khải và bộc lộ phản ứng của mình. Nhưng Nga sợ Khải chối. Khải mà chối biến, hẳn Nga sượng sùng chết được. Nó định bụng sẽ bắt tận tay cái trò tỏ tình lén lút bằng hoa của Khải. Lúc đó, rồi sẽ biết. Hãy đợi đấy !

Khải chẳng để Nga và chị Ngàn "đợi" lâu. Năm ngày sau, trong lọ hoa đã được canh gác cẩn mật, bên cạnh bông hồng, "nở" thêm một bông cẩm chướng.

Bông cẩm chướng "nở" bí mật như một trò ảo thuật khiến Nga tức điên. Còn chị Ngàn thì cười cười:
-- Thế là chị em mình đã để "lọt lưới" thêm một lần nữa.

Nga vùng vằng:
-- Y như là ăn trộm ấy!

Chị Ngàn chọc Nga:
-- Ăn trộm đâu mà ăn trộm! Người ta ra vào bằng cửa trước đàng hoàng!

Nga "hứ" một tiếng rồi im bặt. Chị Ngàn nói đúng quá làm Nga xuôi xị. Ừ, Khải tới chơi công khai chứ đâu có lén lút! Chỉ tại mình lơ đễnh thôi! Lần sau, mình phải theo dõi Khải từng giây một mới được!

Trong khi đó, Khải vẫn qua chơi nhà Nga một cách bình thường. Thái độ của Khải vẫn thản nhiên như không. Cũng như Nga và chị Ngàn, Khải không hề nhắc một lời nào đến những bông hoa. Thậm chí khi nhìn thấy chúng khoe sắc trên đầu tủ, Khải còn làm ra vẻ ngạc nhiên reo lên:
-- Ôi, những bông hoa đẹp quá!

Những lúc đó, chị Ngàn ngồi cười ruồi, còn Nga thì mím môi tức tối.

Hai, ba lần liên tiếp, Nga ngấm ngầm dò xét Khải, thẳng thấy Khải giở trò gì. Lọ hoa trên đầu tủ vẫn chỉ có vỏn vẹn hai bông hoa.

Về bông hoa cẩm chướng, Nga cứ thắc mắc hoài. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, còn hoa cẩm chướng tượng trưng cho điều gì, Nga mù tịt.

Nga đem điều đó hỏi Quỳnh. Quỳnh nói:
-- Hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình bạn và lòng quý mến.

Nghe vậy, Nga càng ngạc nhiên hơn. Khải mới tặng cho mình "tình yêu" sao nay đã vội vã chuyển sang "tình bạn"? Hay là Khải đã hiểu ra thái độ của mình và tự động rút lui có trật tự. Nếu vậy thì thật là may cho mình! Nghĩ vậy, Nga cảm thấy lòng nhẹ nhõm và bớt ác cảm với Khải hơn.

Nhưng Nga chỉ bớt ghét Khải được có ba ngày. Qua ngày thứ tư, Nga nghiến răng rủa thầm Khải tơi bời: đồ ma quái yêu tinh!

Chả là vào cái ngày thứ tư đáng ghét đó, bên cạnh bông hồng và bông cẩm chướng, trong lọ hoa đột ngột xuất hiện thêm bông lay-ơn.

Sáng ra, thấy bông lay-ơn chễm chệ, ngạo nghễ trên đầu tủ, Nga vò đầu bứt tóc:
-- Trời ơi là trời!

Chị Ngàn cười khúc khích:
-- Làm gì mà em kêu trời dữ vậy?

Nga không buồn trả lời chị. Nó tiếp tục dậm chân và kêu lên:
-- Tức ơi là tức!

Chị Ngàn hắng giọng:
-- Có gì phải tức! Tại em cả thôi!

Nga nhăn nhó:
-- Sao lại tại em?
-- Chứ gì nữa ! Em đã canh Khải mấy ngày nay mà vẫn để Khải qua mặt. Chẳng tại em là gì!

Nga giận dỗi:
-- Chị cũng canh vậy.
-- Ừ, thì chị cũng canh. Và cũng như em, chị chẳng biết Khải cắm bông hoa vào lọ lúc nào.

Nga sẵng giọng:
-- Cứ y như đạo tặc!
-- Nè, nè, em đừng có mà nói xấu người ta như thế!

Nghe chị Ngàn rầy, Nga làm thinh. Nga chỉ nói cho bõ tức thôi, chứ thật ra Nga cũng thấy mình hơi nặng lời với Khải.

Hôm sau, Nga lại hỏi Quỳnh:
-- Anh có biết ý nghĩa của hoa lay-ơn không?
-- Biết.
-- Hoa lay-ơn tượng trưng cho điều gì?
-- Niềm vui và sự hẹn hò.

Nga giật thót:
-- Sự hẹn hò?
-- Ừ.

Rồi Quỳnh tò mò nhìn Nga:
-- Sao mấy ngày nay Nga cứ hỏi về ý nghĩa của các loài hoa hoài vậy?

Nga chối biếng:
-- Có gì đâu! Nga chỉ hỏi cho biết vậy thôi!

Thấy Nga không muốn nói, Quỳnh cũng chẳng hỏi tới. Anh chỉ ngồi lặng lẽ nhìn Nga, lòng dậy lên bao mối nghi ngờ. Hôm trước Nga hỏi về bông cẩm chướng, hôm nay lại hỏi về bông lay-ơn, lạ thật!

Khải lại qua chơi. Lần này, Khải đem theo mấy tấm vé mời xem phim.

Chị Ngàn hỏi:
-- Em tìm ở đâu ra mấy tấm vé mời hay vậy?
-- Chú em cho.
-- Chú em?
-- Ừ, chú em làm ở rạp chiếu bóng Đại Quang.

Nga ngồi cạnh, vọt miệng:
-- Bữa nay, ngoài mấy tấm vé xem phim, anh có đem theo gì nữa không?

Khải ngập ngừng:
-- Tôi chỉ đem vé xem phim thôi.

Thấy Nga bắt đầu tấn công Khải, chị Ngàn khẽ đằng hắng, ra hiệu cho Nga xì-tốp lại.

Nhưng Nga phớt lờ. Nó nhìn Khải đăm đăm:
-- Chỉ có vậy thôi hả?

Khải tỏ vẻ ngơ ngác:
-- Thì chỉ có vậy thôi! Chứ tôi có đem theo gì nữa đâu!

Thấy Nga hắng giọng chuẩn bị "truy" tiếp, chị Ngàn vội lên tiếng. Chị nhìn Khải, hỏi lảng sang chuyện khác:
-- Rạp Đại Quang đang chiếu phim gì vậy?
- Dạ, phim... Roméo và Juliette.

Chị Ngàn xuýt xoa:
-- Chà, phim này hay lắm! Chị đã xem một lần ở Nhà văn hóa Thanh niên rồi.

Khải giật mình. Anh hỏi, giọng thấp thỏm:
-- Vậy chị có đi xem nữa không?
-- Đi chứ ! - Chị Ngàn mỉm cười và nói với vẻ trấn an - Phim hay bao giờ chị cũng thích đi xem lại.

Nghe chị Ngàn "khẳng định", Khải thở một hơi dài nhẹ nhõm. Và anh thận trọng đưa mắt nhìn Nga, vẻ dò hỏi. Khải hồi hộp không biết Nga có sẽ đi xem phim với Khải và chị Ngàn không, hay lại cho thằng Ngoạn "đại diện" như bữa trước.

Nhưng Nga chẳng biểu lộ thái độ gì. Nga cũng chẳng nhìn thấy câu hỏi trầm lặng trong mắt Khải. Từ nãy đến giờ, Nga mải nghĩ ngợi về những bông hoa.

Chợt một ý nghĩ nảy ra trong đầu Nga như một tia chớp khiến Nga ngồi bật ngay dậy và khẽ buột miệng "à" một tiếng.

Cả Khải lẫn chị Ngàn đều ngạc nhiên nhìn Nga. Chị Ngàn cười hỏi:
-- Gì vậy? Bộ em vừa khám phá ra điều gì mới về đĩa bay hả?

Nga nguýt chị:
-- Em chẳng khám phá ra đĩa bay. Nhưng em khám phá ra sự quan hệ giữa chuyện mời đi xem phim và chuyện cắm những bông hoa.

Nghe nhắc đến chuyện đi xem phim, tim Khải đập thình thịch và anh cố dỏng tai nghe.

Chị Ngàn nhìn Nga, vẻ băn khoăn:
-- Em khám phá sao?

Nga gật gù:
-- Hai chuyện đó có quan hệ mật thiết với nhau.

Chị Ngàn nhíu mày:
-- Quan hệ mật thiết?
-- Ừ.
-- Chị vẫn chưa hiểu.
-- Có gì đâu mà không hiểu! - Nga nói với chị Ngàn mà mắt lại liếc Khải - Rủ đi xem phim cũng như là... hẹn hò. Mà hoa lay-ơn thì tượng trưng cho sự hẹn hò. Cắm hoa trước để "đánh tiếng", đem vé mời tới sau để... thực hiện. Em nói hai chuyện đó quan hệ với nhau là vậy.

Chị Ngàn bật kêu khẽ:
-- Hóa ra là vậy. Bây giờ thì chị hiểu rồi.

Rồi chị cười quay sang Khải:
-- Có đúng vậy không Khải?

Bị hỏi đột ngột, mặt Khải ngẩn ngơ:
-- Đúng gì ạ?
-- Đúng như Nga nói đó!

Khải gãi cổ, ấp úng:
-- Em... không biết. Em chẳng hiểu gì cả.

Nga nghinh mặt:
-- Anh giả bộ. Anh mà không hiểu?

Khải nuốt nước bọt:
-- Tôi không hiểu thật mà.

Vẻ ngờ nghệch của Khải khiến Nga tức điên. Nó chẳng buồn úp úp mở mở nữa. Mà hỏi thẳng:
-- Vậy chứ mấy bữa nay ai cắm hoa vào lọ?

Khải tròn xoe mắt:
-- Hoa gì?
-- Trời ơi, giờ này mà anh còn giả bộ ngây thơ nữa! - Nga kêu lên và nó chỉ tay vào lọ hoa trên đầu tủ - Hoa này nè!

Khải nhìn lọ hoa, bối rối đáp:
-- Ai cắm những bông hoa này, làm sao tôi biết được!

Nga nheo mắt:
-- Anh cắm sao anh lại không biết?

Khải lộ vẻ kinh ngạc:
-- Tôi cắm?
-- Chứ ai nữa!
-- Ai bảo Nga vậy?
-- Chẳng ai bảo hết. Nhưng Nga biết là anh cắm.

Khải hỏi vặn:
-- Nga có thấy tôi cắm không?
-- Anh len lén anh cắm làm sao Nga thấy được!

Khải bắt đầu bực dọc. Anh "hừ" mũi:
-- Việc gì tôi phải len lén!
-- Ai biết đâu!

Giọng điệu bướng bỉnh của Nga khiến Khải lúng túng. Anh không biết phải ăn nói như thế nào. Vậy mà trước nay, mình cứ tưởng cô ta dịu dàng, mỏng mảnh, hóa ra cô ta ngang chạnh và dữ như chằng! Khải ấm ức nhủ bụng và anh đưa mắt nhìn chị Ngàn, cầu cứu:
-- Chuyện gì vậy chị?

Vẻ mặt ngơ ngác của Khải khiến chị Ngàn phân vân. Chị hỏi, giọng đắn đo:
-- Bộ em không biết gì thật hả?

Khải gật đầu:
-- Em không biết thật mà.

Chị Ngàn nhoài người về phía tủ. Chị rút bông lay-ơn trong lọ hoa ra rồi quay lại phía Khải, hỏi:
-- Em có biết ý nghĩa của bông hoa này không?

Khải gãi đầu:
-- Em không biết. Hoa gì vậy chị ?

Chị Ngàn tròn mắt:
-- Em không biết đây là hoa gì à?

Khải ngượng ngùng lắc đầu. Rồi anh nhìn lên lọ hoa, rụt rè nói:
-- Trong ba bông hoa cắm trong lọ, em chỉ biết mỗi bông hồng. Em dốt về hoa lắm.

Chị Ngàn rung rung cánh hoa trên tay, mỉm cười:
-- Đây là hoa lay-ơn. Hoa lay-ơn là biểu tượng cho sự hẹn hò. Ví dụ như... hẹn đi xem phim vậy.

Khải bật kêu khẽ:
-- À, hèn gì Nga nghĩ bông hoa này là của em.
-- Ừ.

Khải lắc đầu:
-- Nhưng mà em đâu có cắm. Em đâu có biết hoa lay-ơn tượng trưng cho... sự hẹn hò.

Chị Ngàn tặc lưỡi:
-- Nếu vậy thì những bông hoa này ở đâu ra?

Khải ngẩn người. Mặt anh ánh lên vẻ lạ lùng.

Nga ngồi bên cạnh theo dõi cuộc đối đáp giữa Khải và chị Ngàn. Nga chẳng nói gì, chỉ khụt khịt mũi, vẻ sốt ruột.

Đợi cho Khải về rồi, Nga mới nói với chị Ngàn:
-- Em không tin.
-- Không tin Khải hả?
-- Ừ. Nghe vô lý quá Em nghĩ là Khải đóng kịch.

Chị Ngàn chép miệng:
-- Chị chẳng biết. Nhưng chị nghĩ Khải không nói dối.
- Làm sao biết được?
-- Dễ thôi! - Chị Ngàn nhún vai - Hôm nay mình đã hỏi thẳng. Nếu thủ phạm chính là Khải, cậu ta sẽ không dám giở trò ảo thuật đó ra nữa. Còn nếu như một ngày nào đó, bông hoa thứ tư xuất hiện thì có thể khẳng định nhà mình có... ma!
- Eo ôi, em sợ quá!

Nga vừa nói vừa rụt cổ. Và Nga nghĩ rằng sẽ không bao giờ có cái điều kỳ quái tên là... bông hoa thứ tư.





Bông hoa thứ tư xuất hiện đúng vào hôm thứ năm sau cái ngày Khải bị chất vấn. Đó là một đóa hướng dương vàng rực và tươi tắn. Cái cọng kẽm dùng để làm cuống hoa hướng dương có lẽ dài hơn những cọng hoa khác nên khi cắm vào lọ, đóa hướng dương bỗng nhiên cao vượt hẳn lên. Nó ngự trị ở trên cao và đưa mắt nhìn xuống lũ hoa hồng, cẩm chướng và lay-ơn với vẻ gì đó như là sự trịch thượng. Và khi Nga phát hiện ra đóa hướng dương bí ẩn này, Nga có cảm giác nó ngạo mạn và thách thức với cả chính mình.

Phản ứng đầu tiên của Nga trước sự xuất hiện đáng sợ của bông hoa thứ tư này là... rùng mình. Không bực bội hay tò mò như những lần trước, lần này thấy bông hoa như thể thấy ma, Nga nghe lạnh toát sống lưng. Và ngay lập tức, Nga chạy vù xuống bếp, miệng hớt hải:
-- Chị Ngàn ơi chị Ngàn!

Chị Ngàn vừa bắc ấm nước, chưa kịp cắm bếp điện, đã vội giật nảy mình trước điệu bộ cuống cuồng của Nga. Chị quay lại, lo lắng:
-- Chuyện gì vậy?

Nga thở hổn hển, giọng đứt quãng:
- Bô... ô... ông ho... o... a...

Chị Ngàn cố tỏ ra bình tĩnh:
-- Bông hoa sao?

Nga đè tay lên ngực để trấn áp cơn xúc động:

Thêm một bông hoa nữa. Hoa hướng dương.

Nga vừa nói dứt câu, chị Ngàn đã tức tốc chạy lên nhà trên.

Và đóa hướng dương đang phô sắc trên đầu tủ khiến chị sững sờ. Chị đứng như chôn chân trong phòng khác, miệng lẩm bẩm:
-- Lạ thật.

Nga đứng sau lưng chị Ngàn, thở dài ngán ngẩm:
-- Lại Khải chứ ai!

Chị Ngàn cắn môi:
-- Vô lý.

Nga hừ giọng:
-- Bây giờ mà chị còn có lý với vô lý nữa! Không phải Khải thì ai vô đây! Chẳng lẽ nhà mình có ma thật?

Chị Ngàn khẽ nhíu mày:
-- Nhưng hôm trước mình đã hỏi Khải rồi. Chẳng lẽ Khải lại dám đùa dai như vậy.

Nga nhún vai:
-- Dám chứ sao không! Sau khi mình "truy" nếu Khải ngưng ngay trò đùa, Khải sợ mình nghi ngờ. Vì vậy, Khải cố cắm trộm thêm vài bông hoa nữa để chứng tỏ ta đây không dính dáng gì đến chuyện đó. Và Khải sẽ chấm dứt trò đùa nghịch của mình vào một lúc thích hợp.

Sự phân tích của Nga không phải là không có lý. Chị Ngàn khẽ gật gù nhưng chẳng bày tỏ ý kiến gì. Bỗng nhiên chị hỏi:
-- Hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì, em biết không?

Nga lắc đầu:
-- Không. Nhưng em sẽ hỏi. Bạn em chắc biết.
-- Ai vậy? Hạnh hả?
-- Không.
-- Vậy chứ ai?

Tự dưng Nga đâm lúng túng. Thấy vậy, chị Ngàn bật cười:
-- Thôi, chị biết rồi. Anh chàng Quỳnh của em phải không?

Nga đỏ mặt:
-- Sao lại "anh chàng Quỳnh của em"! Chị chỉ chọc em. Em với Quỳnh chỉ là bạn thôi. Bạn một trăm phần trăm.

Chị Ngàn nheo mắt:
-- Làm gì em phải khẳng định ghê thế! Bạn tới một trăm phần trăm lận?
-- Thôi, em chẳng thèm nói chuyện với chị nữa đâu! - Nga ngúng nguẩy - Chị nói gì đâu không hà!

Chị Ngàn cười khúc khích:
-- Chị nói đàng hoàng mà em bảo gì đâu! Chỉ có em "gì đâu" thì có!

Thấy chị Ngàn còn muốn trêu chọc nữa, Nga vội vàng ôm cặp chạy ra khỏi nhà. Nó hấp tấp dắt xe ra cổng, mặc cho chị Ngàn gọi giật sau lưng:
-- Em ăn mì rồi hãy đi học chứ!

Tới lớp, thấy Khải đứng ngay trước cửa, Nga không thèm nhìn. Nó ôm cặp đi thẳng về chỗ ngồi.

Quỳnh đang lúi húi chép gì đó trong tập. Thấy Nga vào, anh vội vã gấp tập lại và nhét vào ngăn bàn.

Nga chẳng để ý đến vẻ lấm lét của Quỳnh. Nó xích lại gần anh, nói nhỏ:
-- Nga hỏi anh cái này nè!

Quỳnh xoay qua:
-- Gì vậy?

Nga vuốt tóc, giọng ngập ngừng:
-- Về ý nghĩa của các loài hoa ấy mà!

Quỳnh gật gù:
-- À, tôi hiểu rồi. Cũng giống như lần trước Nga hỏi chứ gì!
-- Ừ. Nhưng lần này là hoa hướng dương. Anh có biết hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì không?

Quỳnh giật thót. Gần đây, những câu hỏi của Nga về các loài hoa khiến Quỳnh cảm thấy ngờ ngợ. Anh mơ hồ nhận ra một điều gì đó. Tại sao hết hoa lay-ơn lại tới hoa hướng dương, quỷ thật! Quỳnh mải theo đuổi những ý nghĩ trong đầu, quên cả trả lời Nga khiến Nga sốt ruột:
-- Sao, anh nhớ ra chưa?

Quỳnh lại giật mình. Anh vội vàng đáp:
-- À, à, tôi nhớ ra rồi! - Đang nói, Quỳnh bỗng ngập ngừng nhìn Nga, vẻ bẽn lẽn - Nhưng mà... nhớ cái gì hén?

Nga phì cười:
-- Anh đãng trí thật đấy! Vậy mà cũng bảo nhớ ra rồi!

Mũi Quỳnh lập tức đỏ ửng. Anh nhăn mặt nhíu mày cố nhớ xem vừa rồi Nga hỏi câu gì. Và càng nhăn nhó, mặt anh càng khó coi, hai vành tai thì không ngừng động đậy. Vẻ khổ sở của Quỳnh khiến Nga động lòng. Nó liền nhắc:
-- Ý nghĩa của hoa hướng dương!

Quỳnh thở phào. Anh lấy lại vẻ tươi tỉnh:
-- Chà, vậy mà bỗng dưng quên mất!

Rồi anh nhìn Nga, hắng giọng:
-- Hoa hướng dương hả? Hoa hướng dương tượng trưng cho niềm tin và hy vọng.

Nga cắn môi. Niềm tin và hy vọng? Khải còn hy vọng gì ở mình nữa đây không biết! Khổ ơi là khổ! Người đâu mà dai hơn đỉa. Người ta đã không ưa mà cứ đến nhà hoài. Cũng tại chi Ngàn mà ra tất. Chị có thiện cảm với Khải. Thế là anh ta cứ bám vào đó mà "tấn công" mình. Lại còn dám đùa dai với mình và chị Ngàn nữa. Bí bí mật mật, cứ làm như ta đây là Sherlock Holmes không bằng!

Vừa nghĩ ngợi, Nga vừa liếc ra cửa nhưng chẳng thấy Khải đâu. Chắc "con đỉa" đã bò đi chỗ khác rồi.

Quỳnh ngồi bên cạnh, dòm Nga lom lom. Anh thắc mắc đủ thứ nhưng vẻ thẫn thờ của Nga khiến anh ngậm tăm.

Mãi một lát sau, khi Nga quay lại mỉm cười với anh, anh mới khẽ hỏi:
-- Sao hổm rày, Nga quan tâm đến các loài hoa dữ vậy?

Câu hỏi của Quỳnh khiến Nga phân vân. Nga không biết có nên kể thật với Quỳnh câu chuyện về những bông hoa hay không. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Nga nhủ bụng: Thôi, kể làm gì ! Trò tán tỉnh nhăng nhít của Khải hay ho gì mà nói cho Quỳnh biết! Nó bèn nói tránh:
-- À, tại vì... lúc này Nga đang học cắm hoa.
-- Học cắm hoa?

Thấy Quỳnh có vẻ chưa tin, Nga "phịa" luôn:
-- Ừ, Nga học ở Câu lạc bộ Phụ Nữ. Mai mốt, Nga còn học làm bánh nữa.

Quỳnh lại hỏi, giọng ngạc nhiên:
-- Bộ ở đó người ta không dạy cho Nga biết ý nghĩa của các loài hoa sao?

Nga ậm ừ:
- Ờ, ờ... không! Không hiểu sao Nga chẳng thấy ai dạy điều đó. Người ta chỉ dạy cắm hoa thôi.

Nga vừa "phịa" vừa nhìn Quỳnh bằng ánh mắt cảnh giác. Nhưng Quỳnh chẳng phát hiện ra điều gì. Nghe Nga nói, Quỳnh chỉ gật gù:
-- Kỳ quá hén! Nhưng mà tôi nhớ những điều này có đầy đủ trong các cuốn sách dạy cắm hoa. Để hôm nào tôi sẽ tìm cho Nga.

Trước nhiệt tình của Quỳnh, Nga chẳng dám hó hé một lời. Nga chỉ lặng lẽ gật đầu. Nó sợ nó lên tiếng, Quỳnh sẽ tiếp tục hỏi về chuyện cắm hoa. Nó "phịa" một hồi, đằng nào cũng bị "lòi đuôi".

Nhưng dường như Quỳnh chẳng rõ tâm trạng của Nga. Anh mấp máy môi định hỏi tiếp, bất chấp chuyện Nga có lên tiếng hay không.

Vẻ "quan tâm" của Quỳnh khiến Nga lo sốt vó. Nó chưa biết làm sao để thoát ra khỏi tình huống ngặt nghèo này thì đúng lúc đó, Luận xuất hiện. Nga thở một hơi dài não ruột. "Thoát" khỏi Quỳnh mà "rơi" vào tay Luận thì còn tệ hơn một triệu lần.

Theo đúng như bài bản trước nay, Luận xuất hiện... cao cao bên cửa sổ.

Như đã chuẩn bị sẵn, vừa xuất hiện là Luận phát pháo liền. Lần này, rút kinh nghiệm, Luận "tránh" Nga ngay từ đầu. Nó chỉ "nện" Quỳnh:
-- Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh ngồi gần
Mai anh ngồi xa
Xích vô rồi lại xê ra
Mũi anh đỏ tấy tới ba bốn ngày.

Cũng như lần trước, dàn đồng ca lập tức phụ họa:
-- Tới ba bốn ngày! Tới ba bốn ngày!

Thấy Luận khôn khéo né mình, Nga chưa tìm ra cớ để vặc lại. Nó chong mắt dòm ra cửa, thầm mong Hạnh xuất hiện. Nhưng Hạnh đã tếch đi đâu mất.

Trong lúc đó, Quỳnh mím môi ngồi im. Anh không co rúm người lại như trước đây. Chỉ có mặt anh đỏ ké, cái mũi vừa đỏ vừa túa mồ hôi.

Thật ra, từ lâu Luận chẳng còn thấy hào hứng trong chuyện châm chọc Quỳnh. Thằng quỷ nhỏ hiền như cục bột, chọc hoài cũng chán. Luận chỉ muốn "nện" Nga. Nhưng lần trước Nga làm dữ, mấy đứa cùng cánh với Luận sợ run. Luận không sợ, nhưng chưa nghĩ ra cách trấn an đồng bọn, Luận đành phải tạm thời "tha" Nga.

Nga được tha thì Quỳnh phải lãnh. Hai đứa chơi thân với nhau thì đứa này phải gánh cho đứa kia. Hơn nữa, lần trước Luận đã trêu tụi nó một trận ra trò. Nếu Hạnh không kịp thời can thiệp, chắc thằng quỷ nhỏ xỉu tại chỗ. Vậy mà tụi nó vẫn không ngán. Sau lần đó, Nga và Quỳnh vẫn tiếp tục cặp kè với nhau, chẳng coi Luận ra cái thá gì hết. Càng nghĩ, Luận càng ức. Nó liền nheo mắt nhìn Quỳnh, eo éo ghẹo tiếp:
-- Đũa mốc mà vọc mâm son
Hai tai chàng vẫy như con bướm vàng.

Quỳnh nghiến chặt răng. Anh cố trân mình giữ thân người thật thẳng. Quỳnh tự bảo mình: phải bình tĩnh, phải bình tĩnh, đây chỉ là trò đùa chơi của Luận, chứ nó chẳng có ác ý gì đâu! Mặc dù tự động viên mình như vậy, nhưng những lời châm chích của Luận khiến lòng Quỳnh nhói đau. Nếu ngồi một mình, có lẽ Quỳnh đã để mặc những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên má. Quỳnh sẽ khóc tha hồ như ngày bà ngoại qua đời. Quỳnh sẽ khóc nức nở như ngày ba Quỳnh từ bỏ mẹ con Quỳnh để đi theo một người đàn bà xa lạ. Vâng, Quỳnh sẽ khóc tức tưởi mà không thèm chùi nước mắt. Nhưng đó là khi ngồi một mình kia. Còn ở trong lớp, giữa bao nhiêu bạn bè, chẳng bao giờ Quỳnh làm thế. Quỳnh chỉ nghiến răng, khụt khịt mũi và thầm mong trò đùa tai ác của Luận sẽ nhanh :Dng qua đi.

Nhưng Luận là chúa đùa dai. Nó đã trêu ai là trêu đến nơi đến chốn. Nếu Hạnh hoặc Khải không can thiệp, chắc chắn chẳng bao giờ Luận buông tha Quỳnh nửa chừng. Khổ nỗi, sáng nay cả Khải lẫn Hạnh đều trốn đâu mất biệt.

Trong khi đang than thầm trong bụng thì may thay, chuông vào lớp đột ngột vang lên.

Quỳnh thở phào. Nhưng anh chưa kịp đứng dậy, tiếng Nga đã khẽ vang lên bên tai:
-- Anh không buồn chứ?

Nga hỏi anh giống hệt như lần trước. Và anh cũng trả lời hệt như lần trước:
- Không! Tôi không buồn!

Nhưng lần này, Quỳnh nói dối. Lời trêu chọc của Luận sáng nay lần đầu tiên bắt Quỳnh phải nghĩ tới sự cách biệt giữa "đũa mốc" và "mâm son".



Luận ra về vội vàng.

Trưa nay, nó phải ăn cơm sớm để đầu giờ chiều đi công chuyện.

Chả là dì Sáu, em ruột của mẹ nó, sắp sửa xuất cảnh đi Úc. Trước khi đi, dì hứa tặng lại cho gia đình nó một số đồ gỗ trong nhà, gồm hai cái tủ, hai cái bàn và một cái đi-văng vừa có thể làm ghế ngồi vừa có thể làm giường ngủ được. Trong các món đó, Luận đã "chấm" trước cái tủ sách. Luận rất mê đọc sách nhưng trong nhà chẳng có được một cái tủ sách cho ra hồn. Trước nay, sách mua về, Luận chỉ nhét dấm dúi vào các ngăn bàn. Lâu ngày, cuốn thì bị mọt ăn, cuốn thì bị chuột gặm, trông đau lòng hết sức. Bây giờ, vớ được cái tủ lộng lẫy của dì Sáu, Luận mừng rơn.

Khi Luận lên tiếng đòi "sở hữu" cái tủ, ba Luận đồng ý ngay. Ba Luận còn hứa sẽ dành thêm cho Luận một cái bàn để Luận làm bàn học riêng. Ôi, nếu được vậy thì còn mong muốn gì hơn nữa. Kể từ hôm đó, Luận cứ mong :Dng đến ngày mình được làm chủ cái gia tài bằng gỗ kia.

Vì vậy, khi dì Sáu hẹn một giờ chiều nay qua chở mọi thứ về, suốt buổi sáng ngồi trong lớp, Luận cứ lóng nga lóng ngóng chờ chuông reo tan học.

Lúc đầu giờ, chọc phá thằng quỷ nhỏ một hồi, Luận còn khuây khỏa được chút xíu. Lúc đó, thấy thằng quỷ nhỏ sắp khóc đến nơi, Luận cũng thấy tội tội. Và Luận chợt nhận ra mình chọc hơi ác. Đã mấy lần Luận tính buông tha Quỳnh, nhưng nếu tự nhiên rút lui, Luận lại sợ "quê" với Nga. Tiếng chuông reo kịp thời đã giúp Luận... rút lui trong danh dự. Và từ lúc ấy, Luận quên phắt cả Quỳnh lẫn Nga. Nó chỉ nhớ đến dì Sáu và mấy thứ đồ gỗ của dì.

Ăn qua quít vài chén cơm, Luận tót lên giường nằm đọc sách. Nó không ngủ trưa. Vừa đọc sách, Luận vừa nhấp nhổm canh đồng hồ.

Mới một giờ kém hai mươi, Luận đã chồm dậy phóng xe ra khỏi nhà như bị ma đuổi. Đồ gỗ của dì Sáu cồng kềnh, xích lô không chở nổi. Luận phải đi kêu xe ba gác.

Chẳng biết xe đậu bến chỗ nào, Luận đứng bên mé đường, trông ngang ngó dọc một hồi. Lâu thật lâu, Luận chẳng tìm được chiếc xe nào. Có hai, ba chiếc chạy qua trước mặt Luận thì đã chất đống hàng hóa.

Gần nửa tiếng đồng hồ sau, khi Luận đã đứng mỏi nhừ cẳng, mới có một chiếc xe không trờ tới. Chắc là chiếc xe vừa dỡ hàng xong, Luận nhủ thầm và mừng rỡ ngoắc lia:
-- Ba gác! Ba gác!

Chiếc xe vội vã tấp vào lề. Ngồi thùm thụp trong thùng xe là một thằng nhóc trạc cỡ Luận. Nó mặc một chiếc quần ka ki bạc phếch, chiếc áo màu xám, có hai, ba miếng vá to bằng bàn tay, mũ kéo sụp xuốn trán che kín nửa mặt. Nhưng Luận không buồn để ý đến thằng nhãi phụ việc đó. Nó liếc người đàn ông đang ngồi trên yên xe, vồn vã:
-- Có mấy cái tủ mấy cái bàn, chú chở giùm về Ngã Bảy chút!
-- Đồ để đâu?
-- Gần đây nè! Chú đi theo cháu!

Nói xong, Luận quày quả đi trước. Người đàn ông chậm rãi đạp xe theo sau.

Đồ đạc nhiều, người đàn ông và thằng nhóc đi theo phải xoay ngang xoay dọc, ken tới ken lui một hồi mới chất hết lên xe. Trong khi người đàn ông ngồi dính trên yên để giữ thăng bằng thì thằng nhóc cầm cuộn dây thừng đi vòng quanh thùng xe để ràng chặt những món đồ gỗ vào các thanh sắt bằng những vòng quấn chằng chịt.

Khi mối gút cuối cùng đã được cột xong, Luận liếc người đàn ông, nôn nao hỏi:
-- Đi chưa chú?
-- Đi.

Người đàn ông gật đầu, đáp gọn lỏn.

Người đàn ông nói "đi" là để trả lời Luận. Nhưng với thằng nhóc phụ việc, đó là một hiệu lệnh. Nó vội vàng chạy lại phía sau thùng xe, tì tay vào thanh sắt, gập người đẩy mạnh.

Các bánh xe nhúc nhích và uể oải lăn. Sẵn trớn, người đàn ông mím môi nhấn mạnh bàn đạp, "đề-pa".

Xe chở nặng nên chạy rề rề. Thằng nhóc bây giờ lếch thếch đi bộ theo sau, thỉnh thoảng lại chạy lúp xúp. Luận đạp xe tà tà bên cạnh, chốc chốc lại buộc miệng chỉ đường mặc dù người đàn ông chạy xe còn rành đường hơn cả Luận.

Tới một ngã tư không có đèn hiệu giao thông, xe cộ qua lại nườm nượp, chiếc ba gác phải nhích từng chút một. Thằng nhóc lại nắm lấy thanh sắt nơi thành xe, đẩy phụ.

Khi chiếc ba gác sắp qua khỏi giao lộ, thình lình một chiếc xích lô chở đầy nhựa phế phẩm trờ tới sát bên, những ống nhựa trên xe chỉa lởm chởm cả ra ngoài.

Thằng nhóc vừa nhác thấy, chưa kịp hụp người tránh thì một ống nhựa đã quẹt trúng đầu. Chiếc xích lô chạy chậm, ống nhựa quẹt trúng chẳng hề hấn gì. Nó chỉ hất văng cái nón trên đầu thằng nhóc. Thằng nhóc vội vàng nhoài người xuống đường nhặt lấy cái nón. Nó vừa khom mình vừa lấm lét liếc về phía Luận, cánh tay còn lại che ngang mặt.

Nhưng Luận đã kịp thời trông thấy. Nó sửng sốt kêu:
-- Quỳnh !

Biết không thể giấu giếm được nữa, Quỳnh đứng thẳng người dậy và ngượng ngập đập đập cái nón vào ống quần.

Người đàn ông chạy xe ngạc nhiên nhìn Luận:
-- Ủa, hai cháu biết nhau hả?

Luận liếc Quỳnh, lúc này đang bối rối quay mặt đi chỗ khác, ấp úng đáp:
-- Dạ, chúng cháu là... bạn.

Người đàn ông cười hỏi:
-- Bạn sao nãy giờ không nhận ra?

Luận lúng túng. Nó không biết phải trả lời làm sao trước câu hỏi hóc búa đó. Từ nãy đến giờ, Luận đâu có biết thằng nhóc đẩy xe là Quỳnh. Quỳnh ăn mặc khác hẳn lúc ở trường, lại kéo cái nón che hết nửa mặt, có thánh mới nhận ra. Vả lại, không bao giờ Luận nghĩ một học sinh về nhà lại đi đẩy xe ba gác. Vì vậy, ngay từ đâu Luận chẳng để mắt nhiều đến thằng nhãi lam lũ kia. Nếu Quỳnh không rủi ro đánh rớt cái nón, có lẽ chẳng bao giờ Luận biết được hoàn cảnh của Quỳnh.

Không trả lời câu hỏi của người đàn ông, nhưng từ lúc đó, Luận không ngồi thong dong trên xe đạp nữa. Nó dắt xe đi bộ bên cạnh Quỳnh.

Lúc này, Quỳnh đã kéo vành nón lên khỏi trán, nhưng anh vẫn lặng thinh đếm bước. Từ khi Luận phát hiện ra Quỳnh đến giờ, Quỳnh vẫn chưa hé môi một lần nào.

Sau một thoáng ngỡ ngàng, Luận dần dần bình tĩnh trở lại. Biết Quỳnh còn ngại ngùng vì sự gặp gỡ bất ngờ, Luận tìm cách phá tan sự im lặng. Nó hắng giọng hỏi, cố làm ra vẻ thản nhiên:
-- Mày chạy xe vầy có kiếm được khá không?

Quỳnh liếm môi. Anh nói, vẫn không nhìn Luận:
-- Cũng tàm tạm. Tao chỉ phụ cho ông chú.
-- Ổng không chạy một mình được sao?
-- Trước đây ổng vẫn chạy một mình. Gần đây, ổng mắc chứng đau lưng, phải cần tao phụ.

Ngập ngừng một lát, Luận lại hỏi:
-- Mày phụ cho ông chú lâu chưa?
-- Khoảng bốn tháng nay. Sắp tới, chú tao nghỉ, tao đạp một mình.

Luận ái ngại:
-- Mày đạp một mình nổi không?
-- Chắc là nổi.
-- Nhưng như vầy thì cực lắm!

Quỳnh cắn môi:
-- Mày đừng lo! Tao chịu cực quen rồi!

Giọng Quỳnh bình thường nhưng Luận nghe như một lời than. Tự nhiên Luận cảm thấy thấy bùi ngùi. Nó nhìn Quỳnh, vẻ băn khoăn:
-- Chứ ba mày làm nghề gì?
-- Ba tao hả? Ba tao... chết rồi!

Nói xong, bất giác Quỳnh đỏ mặt. Anh buộc lòng phải nói dối Luận. Anh không muốn bất cứ ai biết ba anh bỏ nhà đi theo vợ bé. Chuyện chẳng hay ho gì!
-- Còn mẹ mày? - Luận lại hỏi.
-- Mẹ tao sao?
-- Mẹ mày làm nghề gì?
-- Mẹ tao bán thuốc lá.
-- Bán ngoài chợ hả?

Quỳnh lắc đầu:
-- Không. Ở ngoài chợ là người ta bán sỉ. Còn mẹ tao bán thuốc lẻ. Đặt thùng thuốc trước nhà, ai mua thì bán.

Luận chép miệng:
-- Bán vậy đâu có được bao nhiêu tiền?
-- Thì không được bao nhiêu cho nên tao mới đi theo ông chú đẩy xe ba gác. Tao phụ thêm cho mẹ tao được đồng nào hay đồng nấy.

Luận không hỏi nữa. Nó lặng lẽ đi bên Quỳnh, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn bạn thương cảm. So với Quỳnh, Luận sướng hơn nhiều. Ở nhà, Luận chẳng phải làm gì nặng nhọc. Luận chỉ có mỗi việc học hành, khi nào muốn đi chơi thì xin tiền ba mẹ. Chẳng bao giờ Luận phải bận tâm về cuộc sống. Trước đây, Luận tưởng bạn bè trong lớp đứa nào cũng giống như mình. Hôm nay tình cờ gặp Quỳnh, Luận mới vỡ lẽ mọi chuyện không giống như mình nghĩ. Hóa ra trong cuộc đời, bên cạnh những người sung sướng vẫn có bao nhiêu người vất vả.

Nghĩ ngợi một hồi, Luận lại liếc Quỳnh, khẽ nói:
-- Hôm nào tao ghé nhà mày chơi hén?

Quỳnh ngần ngừ:
-- Nhà tao xa lắm!

Luận khịt mũi:
-- Xạo đi mày! Tao vẫn thấy mày đi bộ tới trường hoài! Nhà xa sức mấy mày đi bộ nổi!

Quỳnh nuốt nước bọt:
-- Nhưng nhà tao... nghèo lắm! Chẳng có gì cả!

Luận nhún vai:
-- Nghèo giàu thì ăn thua gì!

Rồi không đợi cho Quỳnh từ chối, Luận nói luôn:
-- Tao đến chơi hén?

Túng thế, Quỳnh đành phải gật đầu.

Luận cười toe:
-- Vậy mày cho địa chỉ đi!

Quỳnh nói số nhà. Không đem theo giấy bút, Luận phải nhẩm tới nhẩm lui địa chỉ của Quỳnh trong miệng cho khỏi quên.

Khi xe tới nhà, Luận không đứng ngó như lúc ở nhà dì Sáu. Nó xông vào phụ với Quỳnh khiêng các thứ tủ bàn lỉnh kỉnh vào nhà. Luận còn rủ Quỳnh ở lại chơi nhưng Quỳnh lắc đầu:
-- Tao còn phải đi chở hàng đằng kia. Hẹn với người ta rồi.

Rồi Quỳnh ấp úng dặn Luận:
-- Mày đừng nói với ai về chuyện bữa nay nghen!
-- Ừ, tao không nói đâu!

Và Luận đột nhiên nắm lấy tay Quỳnh, giật giật:
-- Nhưng mà này...
-- Gì vậy? - Quỳnh nhìn Luận, ngạc nhiên.

Luận chớp mắt:
-- Mày không còn giận tao chứ?
-- Giận chuyện gì?
-- Chuyện... tao chọc mày trên lớp đó! Tao bậy quá!

Quỳnh cười:
-- Tao không giận mày đâu! Tao chỉ buồn thôi. Nhưng bây giờ tao cũng hết buồn rồi.

Nói xong, Quỳnh quay ra xe.

Luận đứng trước hiên nhà ngẩn ngơ nhìn theo bạn. Nó quên bẵng cái tủ sách và cái bàn học bấy lâu ao ước. Trong đầu Luận lúc này đang lởn vởn mấy câu vè độc địa trước đây nó vẫn dùng để "làm khổ" Quỳnh, những câu vè nó đang cố quên đi.



 Rốt cuộc rồi Nga cũng phát hiện ra bí mật quanh những bông hoa, điều mà Nga tưởng sẽ không bao giờ khám phá nổi.

Chuyện xảy ra hoàn toàn tình cờ. Tối đó, đã lên giường nằm rồi, Nga sực nhớ mình bỏ quên thỏi chocolat trên đầu tủ buýp-phê. Thỏi chocolate hồi chiều ba mua cho, Nga vội đi mua dầu lửa cho chị Ngàn, không kịp ăn. Suốt buổi tối, Nga quên bẵng. Thỏi kẹo vẫn nằm yên trên đầu tủ.

Thoạt đầu, làm biếng chui ra khỏi mùng, Nga định thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sợ chuột tha mất, Nga lồm cồm ngồi dậy đi ra phòng khách.

Nga rón rén đi từng bước một. Nga không sợ chị Ngàn hay thằng Ngoạn thức giấc. Chị Ngàn và Ngoạn hề đặt lưng xuống giường là ngủ say như chết. Nhưng tối nay ba về ngủ nhà. Mà ba lại có tật khó ngủ. Vì vậy, Nga làm con mèo. Nga nín thở đi trên những đầu ngón chân.

Vừa ra khỏi phòng ngủ, Nga ngạc nhiên thấy phòng khách còn sáng đèn. Tưởng ba không không ngủ được, ra ngồi đọc sách, Nga nhẹ nhàng bước lại.

Hóa ra không phải ba, mà là thằng Ngoạn. Nó đang làm trò gì đó chỗ tủ buýp-phê, thấy Nga đột ngột xuất hiện, nó giật mình rụt phắt tay lại và giấu ra sau lưng.

Nga nhướng mắt:
-- Ủa, giờ này sao em chưa đi ngủ?

Bị bắt gặp bất thần, Ngoạn chưa kịp trấn tĩnh. Nó đứng đực ra, môi mấp máy nhưng không thốt được tiếng nào.

Vẻ lúng túng của Ngoạn khiến Nga đâm nghi. Nga tính cao giọng xét hỏi nhưng sực nhớ có ba ở nhà nên nó đành nói khẽ, giọng nghiêm nghị:
-- Em làm gì ở đây?

Ngoạn nói trong cổ họng:
-- Em đang... học bài.

Như máy ra-đa, cặp mắt Nga đảo quanh phòng một vòng và cuối cùng nhìn xói vào mắt Ngoạn:

-- Em nói xạo!
-- Thật mà! - Ngoạn đáp, mặt nhăn nhó.

Nga quắc mắt:
-- Nếu em học bài thì tập vở đâu?

Ngoạn liếm môi:
-- Em cất rồi. Học xong là em cất liền.

Nga khịt mũi:
-- Cất sao lẹ vậy?

Tưởng thoát, Ngoạn gật đầu hớn hở:
-- Ừ, em cất lẹ lắm.

Nào ngờ giọng bà chị vẫn không "mềm" đi chút nào:
-- Cất chỗ nào?

Ngoạn không dám nói là cất trong tủ buýp-phê. Nói vậy, Nga bảo mở ra, không có thì chết. Ngoạn đành phải giở quẻ lấp lửng:
-- À...à, em cất ở... trong kia.

Nhưng Nga không mắc mưu Ngoạn:
-- Trong kia là trong nào?

Ngoạn nuốt nước bọt:
-- Chỗ tủ sách ấy!

Nga "hừ" giọng:
-- Bây giờ em thấy là em nói xạo chưa? Học bài xong, cất tập vô tủ rồi, sao không đi ngủ mà trở ra đây làm gì?

Bị truy một hồi, Ngoạn tắc ị. Biết mình giấu đầu hở đuôi, càng giấu càng hở, Ngoạn giở chiêu... làm thinh.

Thấy Ngoạn không trả lời, cặp mắt lại dáo dác tính kiếm đường chuồn, Nga bước xéo qua đứng trấn ngay cửa, miệng vẫn tiếp tục gặng hỏi:
-- Sao, nói đi chứ, ông tướng! Ông tướng làm gì...

Đang nói, chợt để ý thấy Ngoạn giấu hai tay đằng sau lưng nãy giờ, Nga "truy" liền:
-- À, còn giấu với giếm nữa! Em giấu cái gì sau lưng đó?

Ngoạn nhăn nhó:
-- Em có giấu gì đâu?

Nga hất hàm:
-- Không giấu gì thì bỏ tay ra coi!

Ngoạn vẫn đứng im không nhúc nhích.

Nga tức mình đổi giọng:
-- Mày không bỏ tay ra thì tao tóm cổ mày à!

Vừa nói, Nga vừa bước tới một bước.

Ngoạn hoảng hồn:
-- Đừng, đừng! Để em nói!

Nga đứng lại:
-- Nói đi! Mày giấu cái gì đằng sau lưng vậy?

Hỏi xong, Nga sực nhớ đến thỏi chocolate. Nó liếc lên đầu tủ. Thỏi kẹo vẫn còn đó. Vậy là thằng Ngoạn giấu thứ khác.

Ngoạn vừa theo dõi ánh mắt chị, vừa ấp úng:
-- Em giấu... em giấu...

Điệu bộ của Ngoạn khiến Nga chột dạ. Nó chận trước:
-- Không được nói xạo à nghen! Nói xạo là tao véo tai à!

Ngoạn chớp mắt:
-- Em giấu... bông hoa.

Trước lời thú nhận của em, Nga thở phào một cái, giọng chán nản:
-- Trời ơi, tưởng gì! Có cái bông hoa mà mày cũng bày đặt lén lén lút lút! Chắc mày lấy trộm bông hoa trên đầu tủ định đem đi cho ai chứ gì!

Vừa nói, Nga vừa liếc về phía lọ hoa. Bỗng Nga tròn mắt. Những bông hoa trong lọ vẫn còn đầy đủ: đóa hướng dương vẫn ngạo nghễ nhìn xuống những bông hồng, lay-ơn và cẩm chướng phía dưới.

Nga quay phắt sang Ngoạn:
-- Em giấu bông hoa gì đó?
-- Bông hoa của em.

Ngoạn đáp, vẫn không buông tay ra.

Nga nghiêm mặt:
-- Đưa tao coi!

Ngoạn ngúng nguẩy:
-- Em đã bảo là bông hoa của em mà!

Nga chìa tay ra phía trước:
-- Đưa đây! Tao không lấy luôn đâu mà sợ! Xem xong, tao trả lại ngay!

Bàn tay Nga lơ lửng trước mặt Ngoạn, đầy đe dọa.

Biết hết đường trốn tránh, Ngoạn rụt rè đưa bông hoa ra. Một đóa cúc trắng.

Nga cầm lấy bông cúc quan sát một hồi rồi khẽ bước lại phía lọ hoa. Nga đặt bông cúc cạnh các bông hoa kia, thầm so sánh. Các cuống hoa đều được làm bằng cùng một thứ kẽm. Các nhụy hoa đều quấn bằng bông gòn nhuộm màu. Và các cánh hoa đều được cắt ra từ một thứ giấy.

Điều vừa phát hiện khiến Nga sửng sốt. Nga quay lại nhìn Ngoạn:
-- Hóa ra chính em đã cắm những bông hoa này vào lọ?

Ngoạn gật đầu, mép nhúc nhích như muốn cười. Trời, chuyện tày trời mà nó gật đầu cứ tỉnh khô. Lại còn tính phá ra cười nữa! Nga nhủ bụng nhưng không thèm nói. Nó nghiêm mặt hỏi tiếp:
-- Và tối nay nếu chị không tình cờ bắt quả tang hành động lén lút của em thì sáng mai chị và chị Ngàn sẽ đứng tim chết tại chỗ vì phát hiện thêm một bông cúc trắng

Ngoạn rụt cổ. Lần này thấy Nga đem "cái chết" ra hù, nó không dám nhếch mép nữa. Nó đứng chôn chân, ra vẻ ta đây khờ khạo đâu có biết giỡn chơi chút xíu mà mấy bà chị đua nhau đòi... lăn ra chết.
-- Em lấy đâu ra những bông hoa này vậy? - Nga bắt đầu đi vào phần quan trọng.

Ngoạn gãi đầu:
-- Em xin.
-- Xin ai?
-- Xin... xin...
-- Xin ai? Lần này không có giấu nữa à nghen!

Ngoạn cắn môi:
-- Em xin... anh Quỳnh.

Nga giật mình:
-- Anh Quỳnh nào?

Ngoạn thản nhiên:
-- Anh Quỳnh học chung lớp với chị chứ anh Quỳnh nào!

Nga chưng hửng:
-- Sao em biết ảnh?

Ngoạn ra oai:
-- Em là bạn ảnh sao lại không biết! Chị làm như chỉ có chị là bạn ảnh vậy!

Nga bĩu môi:
-- Xạo nữa đi!

Ngoạn nghinh mặt:
-- Em nói xạo chị làm chi! Em ghé nhà ảnh chơi hoài. Tuần nào em cũng ghé hai, ba lần.
-- Sao chị không biết?
-- Em không nói sao chị biết được! Anh Quỳnh dặn em đừng nói cho chị biết.
-- Anh có dặn vậy hả?
-- Ừ.
-- Chi vậy?
-- Ai biết.

Nga tò mò:
-- Em chơi gì đằng đó?
- Chơi... đủ thứ.
-- Chẳng hạn như thứ gì?
-- Chẳng hạn như em vẽ. Có khi em ngồi ở nhà ảnh vẽ cả buổi. Nhà ảnh có cả khối thuốc màu. Rồi em đóng đồ chơi bằng gỗ. Ảnh bày cho em đóng. Rồi em...
-- Em tới chơi hoài vậy ảnh không nói gì sao? - Nga chen ngang.

Ngoạn trố mắt:
-- Nói gì là nói gì? Cả khối đứa đến chơi đằng nhà ảnh chứ đâu phải một mình em!

Nga nhìn lên lọ hoa, bâng khuâng hỏi:
-- Những bông hoa này cũng do ảnh làm phải không?
-- Thì ảnh làm chứ ai. Ảnh bày cho em làm. Nhưng em làm không được. Thế là em xin những bông hoa của ảnh đem về cắm chơi.

Nga bán tín bán nghi:
-- Chứ không phải ảnh xúi em cắm hả?

Ngoạn ngơ ngác:
-- Ảnh xúi em làm gì! Tự em cắm thôi!

Nga lạ lùng:
-- Nếu em tự cắm thì việc gì em phải ra bộ bí mật vậy?

Ngoạn cười hì hì:
-- À, đó là em bắt chước theo cuốn truyện trinh thám anh Khải cho mượn.
-- Cuốn gì?
-- Cuốn Những Bông Hoa Giết Người. Cứ mỗi lần một bông hoa xuất hiện là có một người chết.

Nga thò tay cốc đầu Ngoạn một cái:
-- Hèn gì mà chị với chị Ngàn suýt chết mấy lần!

Ngoạn nheo mắt:
-- Suýt chết chứ đâu phải chết! Còn trong sách là chết thật kìa!

Nga không thèm để ý đến câu pha trò... dở ẹc của Ngoạn. Nó nhủ bụng: hèn gì hôm trước mình hỏi Quỳnh về ý nghĩa của các loài hoa, Quỳnh cứ giương mắt lên nhìn mình, có lẽ Quỳnh thắc mắc ghê lắm nhưng không dám hỏi.

Bỗng Nga sự nhớ tới một chuyện, liền nhìn Ngoạn, gật gù:
-- À, còn chuyện này nữa! Chính em kể cho anh Quỳnh nghe về chuyện mấy cuộn băng nhạc phải không?

Ngoạn vờ vịt:
-- Chuyện mấy băng nhạc gì?

Nga lừ mắt nhìn em:
-- Em đừng có giả bộ ngây thơ. Em không kể làm sao anh Quỳnh biết chị thích nhạc tiền chiến?

Ngoạn vừa mở miệng, chưa kịp nói, Nga đã gạt phắt:
-- Em đừng có chối! Rồi chuyện mấy cuốn sách nữa. Chỉ do em nói thì anh Quỳnh mới biết chị đang tìm cuốn Những con chim ẩn mình chờ chết và cuốn Nô Tỳ Isaura thôi!

Ngoạn vò đầu:
-- Thì em kể sơ sơ vậy thôi. Chuyện anh Khải qua nhà mình, rồi đem băng nhạc, đem sách cho chị mượn...

Nga trừng mắt:
-- Chị Ngàn mượn chứ tao mượn hồi nào?
-- Chậc, em nói lộn ! Chị Ngàn mượn!

Vừa nói, Ngoạn vừa đưa tay lên che hai vành tai, sợ bị Nga véo.
-- Mà mày kể mấy chuyện đó cho anh Quỳnh nghe chi vậy?

Ngoạn chép miệng:
-- Kể chơi vậy thôi! Chứ không kể chuyện đó thì em đâu biết kể chuyện gì!
-- Thì đừng kể! Ngu ơi là ngu!

Ngoạn nhún vai, phân trần:
-- Chị Ngàn với chị sinh ra trước, giành hết phần khôn rồi thì em phải lãnh trọn phần ngu chứ sao!
-- Mày còn cà khịa nữa hả! Có đi ngủ đi không! Đứng đó nói nhăng nói cuội, tao cốc cho mấy cái bây giờ!

Thấy Nga vung tay lên dọa, Ngoạn vội vàng tót ra cửa như một tên trộm được phóng thích.

Còn lại một mình trong phòng, Nga thẫn thờ cắm "bông hoa thứ năm" vào lọ. Hẳn đây là bông hoa cuối cùng, Nga thầm nghĩ. Rồi vói lấy thỏi chocolate trên đầu tủ, Nga lặng lẽ ngồi xuống ghế. Không hiểu sao tự dưng Nga chẳng thấy buồn ngủ.



Nga đến nhà Quỳnh một cách bất ngờ.

Chính Ngoạn dẫn Nga đi. Trước nay, Nga chẳng biết Quỳnh ở đâu. Thỉnh thoảng trên đường đi học về, Nga bắt gặp Quỳnh đi bộ trên lề đường, cùng chiều với Nga. Những lúc đó, chẳng bao giờ Nga dám dừng lại. Nó cứ bặm môi phóng vụt xe qua.

Dường như Quỳnh chỉ đi chung đường với Nga một quãng ngắn đó thôi. Ở những khúc rẽ, không bao giờ Nga nhìn thấy Quỳnh, dù là thấp thoáng. Có lẽ Quỳnh quẹo ngả khác.

Nga cứ tưởng Quỳnh ở đâu xa lắm. Hóa ra nhà Quỳnh chỉ cách nhà Nga chừng năm, sáu trăm thước. Ngoạn dẫn Nga đi vòng vèo chừng ba cua đường là tới nơi.

Nhà Quỳnh ở cuối một con hẻm rải đá. Sau nhà là một con lạch nhỏ, rau muống bò kín mặt nước. Nhà Quỳnh nhỏ, vách ván, mái tôn. Khi Nga tới, mẹ Quỳnh đang ngồi bán thuốc trước nhà.

Ngoạn nói nhỏ bên tai Nga:
-- Mẹ anh Quỳnh đó!

Nga bước lại, rụt rè:
-- Chào bác ạ.

Mẹ Quỳnh nhìn Nga bằng ánh mắt ngạc nhiên:
-- Cháu tìm ai hả cháu?
-- Dạ, cháu tìm anh Quỳnh. Cháu là bạn cùng lớp với ảnh.

Mẹ Quỳnh thoáng lộ vẻ sửng sốt. Có lẽ trước nay không có người bạn gái nào đặt chân đến nhà Quỳnh. Nga đoán vậy. Nhưng vẻ sửng sốt kia kịp biến mất trên gương mặt mẹ Quỳnh, thay vào đó là sự niềm nở:
-- À, cháu vào nhà chơi. Quỳnh ở trong nhà đó cháu.

Ngoạn đứng bên cạnh, khoe:
-- Chị cháu đó bác.

Mẹ Quỳnh vui vẻ:
-- Vậy hả? Vậy thì cháu dẫn chị vào nhà chơi đi!

Nga bắt gặp Quỳnh đang ngồi hí hoáy làm gì đó bên chiếc bàn dài đặt cạnh cửa sổ mở ra lạch rau muống. Anh xoay lưng ra ngoài nên không trông thấy chị em Nga.

Ngồi kế bên Quỳnh là hai thằng nhóc trạc tuổi Ngoạn. Chúng cũng đang tẩn mẩn đục đẽo thứ gì đó.

Nga còn đang ngần ngừ, chưa biết có nên lên tiếng gọi Quỳnh không, thì Ngoạn đã bô bô:
-- Anh Quỳnh! Chị Nga tới thăm anh nè!

Quỳnh giật mình. Anh quay lại và mặt thoáng vẻ sững sờ khi trông thấy Nga. Dù có nằm mơ, Quỳnh cũng không dám nghĩ sẽ có một ngày Nga đến thăm anh. Vậy mà, bây giờ Nga đang đứng ngay trước mặt anh với nụ cười bẽn lẽn trên môi. Quỳnh nghe tim mình đập thình thịch trong ngực. Nó đập mạnh đến nỗi Quỳnh tưởng như Nga có thể nghe rõ từng tiếng vang của nó. Ý nghĩ đó khiến mũi Quỳnh đỏ ửng. Anh cố trấn tĩnh bằng cách kéo ghế mời Nga ngồi:
-- Nga ngồi chơi đi!

Hai thằng nhóc thấy có người lạ tới, cũng hiếu kỳ quay mặt lại. Bốn cặp mắt đen láy tò mò quan sát Nga. Một đứa liếc Ngoạn, ngạc nhiên hỏi:
-- Chị mày hả?
-- Ừ, chị tao đó!

Ngoạn đáp với vẻ hãnh diện. Vừa nói, nó vừa sà lại chỗ mấy đứa bạn.

Quỳnh ngồi xuống trước mặt Nga. Anh có vẻ lúng túng với cách ăn mặc xốc xếch của mình. Đặt hai tay lên đầu gối để che chỗ vá, Quỳnh nhìn Nga, thấp thỏm hỏi:
-- Nga đến chơi hay có chuyện gì không?

Nga mỉm cười:
-- Nga đến chơi thôi...
-- Sao Nga lại biết nhà tôi...

Đang nói, sực nhớ Ngoạn là em Nga, Quỳnh khẽ "à" một tiếng rồi im bặt.

Nga cười:
-- Thằng Ngoạn đến đây chơi hoài mà anh giấu Nga hén!

Quỳnh bối rối:
-- Giấu gì đâu!
-- Vậy mà không giấu?
-- Đó là tôi chưa kịp nói với Nga thôi.
-- Không những anh không nói mà ngược lại anh còn bắt người ta nói.

Quỳnh trố mắt:
-- Người ta nào ?
- Thằng Ngoạn đó. Anh dụ nó nói lung tung. Anh "điều tra" nó về chuyện băng nhạc, về mấy cuốn sách...

Đang nói, chợt thấy mặt Quỳnh đỏ rần, trán rịn mồ hôi, Nga tốp ngay. Nga tính giỡn chơi, nào ngờ Quỳnh tưởng Nga tới đây để "hoạch hoẹ" Quỳnh, anh hoảng kinh.

Nga liền lảng sang chuyện khác. Nó đưa mắt nhìn về phía chiếc bàn, hỏi:
-- Anh đang làm gì vậy?

Quỳnh tằng hắng:
-- À, tôi đang khâu lại cái túi xách...
-- Túi xách của anh hả?
-- Không. Đây là cái túi của đứa bé hàng xóm. Nó nhờ.

Nga chỉ hai đứa nhỏ ngồi kế bên Ngoạn:
-- Còn hai đứa kia...

Quỳnh cười:
-- Chúng đang tập làm thợ mộc.
-- Cháu anh hả?
-- Không. Đây là những đứa trẻ ở cạnh nhà. Tụi nó thường qua đây chơi.

Nga đảo mắt nhìn quanh nhà, thắc mắc:
-- Vậy chứ anh đóng sách chỗ nào đâu?

Quỳnh giật thót. Từ nãy đến giờ anh quên béng mất câu chuyện trước đây anh đã "bịa" ra với Nga và Hạnh. Bây giờ, Nga hỏi đột ngột khiến Quỳnh chết cứng. Anh tưởng như trái tim mình sắp vọt ra khỏi lồng ngực.
-- Đóng sá... á... ách hả... ả... ?

Quỳnh ấp úng hỏi lại, đầu loay hoay tìm lối thoát.

Thấy Quỳnh cứ cà lăm hoài, Nga ngạc nhiên:
-- Thì đóng sách chứ sao! Anh đóng sách chỗ nào?
-- Không, không! Tôi đâu có đóng sách... ở nhà. Tôi đóng sách ở chỗ khác...
-- Chỗ khác?

Quỳnh nuốt nước bọt:
-- Ừ. Tôi đóng ở một... cửa hiệu riêng.

Quỳnh nói dối mà bụng cứ thon thót. Rủi Nga hỏi cửa hiệu của anh nằm ở chỗ nào, chắc Quỳnh hết đường tránh.

May thay, lúc ấy có một con bé chạy vào. Nó ôm con búp bê trên tay, chạy ùa lại chỗ Quỳnh, miệng kêu ầm ĩ:
-- Anh Quỳnh ơi anh Quỳnh!

Quỳnh quay lại:
-- Gì vậy em?

Con bé chìa con búp bê ra:
-- Con Ti Ti của em gãy cổ rồi. Anh gắn lại giùm em đi!

Quỳnh xoa đầu con bé:
-- Em làm gì đến nỗi con Ti Ti phải gãy cổ lận?
-- Em có làm gì đâu! - Con bé tròn xoe mắt, phân trần - Em nằm trên võng ru cho Ti Ti ngủ. Con Ti-nô ngồi rình ở dưới. Nó thấy em cưng Ti Ti nó tức lắm. Thế là nó đợi cho em sẩy tay làm rơi Ti Ti xuống đất, nó nhảy lại ngoạm lấy ngay cổ Ti Ti. Cổ Ti Ti thế là đứt lìa ra.
-- Thôi được rồi! Để anh gắn lại cho! Em đừng lo.

Quỳnh trấn an con bé. Vừa nói anh vừa nhìn Nga.

Nga mỉm cười:
-- Anh cứ đi "làm việc" đi! Nga ngồi đây chơi!

Được Nga "cho phép", Quỳnh đứng dậy. Anh rót một ly nước đặt trước mặt Nga:
-- Nga uống nước chờ tôi chút xíu nghen!

Rồi Quỳnh cầm lấy con búp bê đi lại đằng bàn. Con bé tò tò theo sau. Quỳnh ngồi vào bàn. Anh vớ lấy hộp keo dán và bắt đầu thoa vào cổ con búp bê. Con bé "thân chủ" ngồi xuống bên cạnh, tay tì vào cằm, mê mẩn nhìn anh làm.

Quỳnh chưa "chữa trị" xong con búp bê, lại thêm một thằng bé chạy xộc vô, nách cặp đôi giày trượt patin, miệng la bài hãi:
-- Chết em rồi, anh Quỳnh ơi!

Có lẽ quá quen với những tình huống tương tự, Quỳnh vẫn ngồi im. Anh hỏi mà không ngoảnh cổ lại, tay vẫn loay hoay với con búp bê:
-- Gì đó em?

Thằng bé lớn tuổi hơn con nhỏ kia. Nó trạc tuổi Ngoạn. Nghe Quỳnh hỏi, nó vừa thở hổn hển vừa đáp:
-- Đôi giày patin của em hỏng rồi. Các bánh xe chẳng hiểu sao lại không chịu quay. Khi nãy, em té một cú trời giáng, suýt chút nữa bể đôi "gáo dừa".
-- Em chờ anh một chút. Anh sắp xong rồi đây.

Chỉ đợi có vậy, thằng bé hí hửng đặt đôi giày trượt lên bàn. Rồi nó quay lại nhập bọn với tụi "thợ mộc". Nó ngồi xuống cạnh Ngoạn, miệng bô bô:
-- Tụi mày đóng cái gì vậy?
-- Đóng hộp đựng viết! - Một đứa nói.

Thằng bé ngồi ngắm nghía tụi kia một hồi, rồi buột miệng nói:
-- Cho tao đóng với!
-- Thôi đi! Hôm qua mày đã đóng suốt một ngày rồi. Bữa nay tới phiên tụi tao.

Thằng bé phân bua:
-- Nhưng hôm qua tao có đóng được cái quái gì đâu! Lại còn nện búa vô tay đau điếng!
-- Kệ mày!

Biết không thể năn nỉ được nữa, thằng bé lò dò bước lại chỗ Quỳnh. Đúng lúc đó, Quỳnh cũng vừa gắn xong con búp bê. Anh đưa con búp bê cho con bé, ân cần dặn:
-- Bây giờ keo còn ướt, em đừng nên đụng đến nó. Hai ngày sau mới lấy ra chơi được, nhớ chưa?

Con bé gật đầu. Nó nâng con búp bê bằng hai tay và hớn hở quay ra.

Quỳnh định quay lại ngồi nói chuyện với Nga nhưng thằng bé đã níu tay anh:
-- Anh coi giùm đôi giày của em đi! Em đi trượt ngay bây giờ!

Quỳnh lúng túng chưa biết quyết định như thế nào, Nga đã lên tiếng:
-- Anh sửa giùm cho thằng bé đi!

Thế là Quỳnh lại quay lại chiếc bàn cạnh cửa sổ. Lần này thì anh vớ lấy chiếc kềm, lay lay, vặn vặn.

Nga ngồi yên trên ghế, lặng lẽ quan sát Quỳnh. Lúc ở nhà, bên cạnh những đứa bé, Quỳnh chẳng giống một chút nào với hình ảnh của anh trong lớp. Anh như trở thành một con người khác. Trông anh nhanh nhẹn, cởi mở và tự tin hơn. Nga có cảm giác khi ở trong khung cảnh quen thuộc của mình, Quỳnh đã trút bỏ vẻ lúng túng, rụt rè thường nhật một cách dễ dàng như người ta cởi bỏ một chiếc áo.

Rõ ràng những đứa trẻ rất yêu mến Quỳnh. Chúng không bao giờ chọc ghẹo Quỳnh như cảnh Nga thường thấy ở trường. Chúng đáp lại tình yêu dịu dàng của anh bằng sự trân trọng và lòng tin cậy chân thành. Đối với chúng, căn nhà nhỏ bé của anh hẳn rất ấm cúng và thân thuộc.

Ngay cả Ngoạn cũng vậy. Vừa bước vào nhà, nó đã quên phắt mất Nga. Nó chúi mũi vào mấy thứ đồ gỗ, cưa cưa đục đục và chết chìm luôn trong trò chơi với hai đứa bạn, bỏ mặc Nga ngồi một mình.

Nga đang ngồi nghĩ vẩn vơ thì Quỳnh bước lại. Anh đã sửa xong chiếc giày trượt cho thằng bé và nó đang phóng vù ra khỏi nhà với đôi giày trên tay, mặt mày rạng rỡ như sắp đi dự hội.
-- Xin lỗi Nga nghen!

Quỳnh vừa ngồi xuống ghế vừa nói.
-- Lỗi gì đâu! - Nga chớp mắt, và hỏi - Bạn anh đấy hả?
-- Đâu?
-- Những đứa trẻ ấy!

Quỳnh chợt hiểu ra. Anh cười:
-- Ừ, bạn hằng ngày của tôi đấy. Tụi nó rất dễ thương.

Nga bâng khuâng hỏi:
-- Anh không có bạn lớn hơn à? Bạn cùng tuổi ấy!

Quỳnh gãi cằm:
-- Bạn lớn hơn à? Thiếu gì! Tôi có tới bốn chục người bạn lận!

Nga tưởng thật:
-- Ở đâu nhiều vậy?
-- Lớp mình đấy.

Nga khịt mũi:
-- Lớp mình thì nói làm gì!
-- Sao lại không nói! Như Nga chẳng hạn. Nga chẳng phải bạn tôi là gì!

Nga vuốt tóc:
-- Nhưng mà những người khác có ai đến đây không?

Giọng Quỳnh chợt chùng xuống:
-- Không. À, gần đây thì có Luận.
-- Luận? - Nga tròn xoe mắt, nó tưởng Quỳnh nói lộn.

Nhưng Quỳnh gật đầu:
-- Ừ.

Nga vẫn chưa hết kinh ngạc:
-- Luận đến đây làm gì?
- Thì đến... chơi.
-- Luận mà đến chơi với anh?
-- Ừ.
-- Nó không trêu anh chứ?

Quỳnh cười:
-- Luận chán trò đó rồi. Bây giờ, ngay cả ở lớp, Luận cũng đâu có trêu tôi nữa.

Nga sực nhớ ra, bèn gật gù:
-- Ừ hén! Hèn gì mấy hôm nay Nga thấy nó hiền khô. Nhưng mà Nga ghét thằng đó.
-- Tại vì nó hay chọc Nga chứ gì?

Nga "hứ" một tiếng:
-- Nó chỉ chọc Nga trước đây thôi. Từ khi Nga làm mặt dữ, nó hoảng hồn, thôi luôn. Nó quay sang chọc anh.
-- Nhưng bây giờ nó cũng "thôi" tôi luôn rồi.

Nga cười khúc khích:
-- Vì vậy nên Nga bớt ghét nó hơn. Còn ghét, nhưng ghét sơ sơ.

Quỳnh cũng cười xòa. Tự nhiên Nga thấy Quỳnh thật dễ mến. Hai vành tai quái dị và cái mũi đỏ của anh không còn khiến Nga thấy kỳ cục nữa. Trong một thoáng, Nga cảm thấy chúng bình thường như đã là con người thì ai cũng vậy.

Nói chuyện với Quỳnh một hồi, Nga đứng dậy định kêu Ngoạn ra về thì mẹ Quỳnh khệ nệ bưng lên một mâm chè, đon đả mời:
-- Ở lại ăn chè đã cháu!

Hóa ra từ nãy đến giờ, mẹ Quỳnh lui cui nấu chè dưới bếp. Bà đặt mâm xuống trước mặt vị khách đặc biệt, niềm nở:
-- Chè đậu xanh bác nấu, cháu ăn thử có ngon không?

Nga chẳng biết nói gì. Nó dạ lí nhí trong miệng.

Trong khi đó, Quỳnh quay lại phía mấy đứa nhỏ:
-- Lại ăn chè, các em!

Ngoạn ngoảnh lại. Bấy giờ nó mới sực nhớ đến Nga.


Nga đến nhà Quỳnh lần thứ hai gặp lúc Quỳnh vắng nhà. Lần này, Nga cũng đi với Ngoạn. Nó định ghé Quỳnh mượn cuốn bài tập vật lý.

Mẹ Quỳnh vẫn ngồi ở chỗ quen thuộc trước cửa nhà, đằng sau thùng thuốc lá. Thấy Nga tới, mắt bà sáng lên:
-- Cháu đến chơi hả? Bữa nay Quỳnh đi vắng. Nhưng cháu cứ vào nhà chơi đi!

Không gặp Quỳnh, Nga dã tính quay về. Nhưng nghe mẹ Quỳnh nói vậy, Nga đành theo Ngoạn vào nhà.

Bên cạnh bàn "làm việc" của Quỳnh đang xúm xít ba, bốn đứa trẻ. Chúng dang hì hục tháo lắp một cái máy gì đó.

Nga hỏi Ngoạn:
-- Anh Quỳnh đi đâu, em biết không?
-- Ảnh đi làm.
-- Làm gì vậy?
-- Ảnh đi...

Đang nói, Ngoạn bỗng ngừng bặt. Suýt chút nữa, nó đã khai với Nga chuyện anh Quỳnh đạp xe ba gác. Trong những buổi chiều trong tuần, anh Quỳnh chỉ ở nhà có hai ngày. Những ngày còn lại, hễ ăn cơm trưa xong là anh chạy qua nhà ông chú để... đi làm. Anh đã dặn Ngoạn, hễ chị Nga có hỏi thì bảo anh đi... đóng sách ở ngoài cửa hiệu. Vậy mà vừa rồi Ngoạn quên bẵng đi mất. Khi chị Nga thình lình hỏi, Ngoạn suýt buột miệng để lộ mọi chuyện.

Thấy Ngoạn ngắc ngứ, Nga sốt ruột:
-- Làm gì mà em cà lăm vậy? Hay là em cũng không biết?

Đột nhiên Nga sực nhớ ra:
-- À, chị biết rồi! Ảnh đi đóng sách phải không?

Đang ú ớ, nghe Nga hỏi vậy, Ngoạn mừng rơn. Nó gật đầu lia và nhìn Nga bằng ánh mắt tinh ranh:
-- Đúng rồi! Sao chị biết hay vậy?

Nga lên giọng:
-- Chị là bạn ảnh sao lại không biết!

Thấy điệu bộ hách xì xằng của Nga, Ngoạn cười thầm trong bụng. Đã mấy lần, Ngoạn tính nói huỵch toẹt công việc của anh Quỳnh ra để chọc bà chị chơi, nhưng sợ anh Quỳnh rầy, nó đành thôi. Thôi mà trong bụng cứ tiếc hùi hụi.

Để khỏi bị lôi cuốn bởi cái ý muốn "bật mí" đang thôi thúc trong lòng đó, Ngoạn bỏ lại chỗ mấy đứa bạn.

Trong khi đó, Nga đi thơ thẩn quanh nhà, chờ Quỳnh về, trong bụng cứ lo ngay ngáy không biết Quỳnh đi "đóng sách" đến bao lâu.

Nga bước đến bên cửa sổ, nhìn ra con lạch sau nhà. Những dây rau muống xanh mướt đan kín mặt nước. Chúng bò chồng lên nhau như một bầy rắn nghịch ngợm. Bên kia lạch thuộc về ngoại ô, những mái nhà nằm thấy thoáng sau những rặng dừa. Đây đó, những đứa trẻ ngồi câu cá ở sát mép nước. Đứa nào đứa nấy trần trùng trục, da đen nhẻm.

Đứng ngó mông ra cửa sổ một hồi, đâm chán, Nga quay vào. Nó đến bên bàn học của Quỳnh ở góc nhà, đứng săm soi mấy cuốn tập. Nga có ý tìm cuốn bài tập vật lý nằm đâu nhưng chẳng thấy. Chắc Quỳnh cho ai mượn rồi cũng nên! Nga nghĩ thầm và thuận tay nó cầm lên cuốn tập đặt sát mép bàn và hờ hững lật ra.

Đọc vẩn vơ mấy dòng đầu, Nga bỗng giật mình. Hóa ra đây không phải là cuốn tập ghi chép bài học. Cuốn tập chép toàn thơ có xen kẽ những đoạn văn ngắn.

Đọc lướt qua, Nga thấy những bài thơ này quen quen. Toàn thơ tình. Dưới những bài thơ không đề tên tác giả nhưng Nga nhớ mang máng đây là thơ Xuân Diệu hay Nguyễn Bính gì đó, Nga đã từng đọc qua rồi. Tự nhiên, Nga mỉm cười nhủ bụng: hóa ra anh chàng này cũng mơ mộng gớm, thế mà mình cứ tưởng!

Bỗng Nga không cười được nữa. Mà giật bắn người. Đập vào mắt Nga là những câu thơ đã được sửa lời. Đúng ra là những chữ "em" trong bài đều được đổi thành chữ... "Nga". Nga run run đọc:
-- Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền
Không thể vô tình qua trước cửa
Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên?
Nga hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước, đứng say sưa
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay, thế cũng vừa.

Bất giác, Nga cảm thấy máu nóng dồn lên mặt. Chẳng dám đọc tiếp, Nga lật qua trang khác. Cũng vậy:
-- Tôi đã nói, từ khi vừa gặp gỡ:
Tôi rất ngoan, tôi không dám mong nhiều
Nga bằng lòng cho tôi được phép yêu
Tôi sung sướng với chút tình vụn ấy

Những câu thơ vang lên như những lời thì thầm van vỉ khiến Nga sợ hãi. Nó lật vội một lúc hai ba tờ như muốn chạy trốn tình yêu lặng lẽ của Quỳnh. Nhưng ở trang nào, Nga cũng bắt gặp tên mình. Và khi đọc phải đoạn thơ sau đây thì Nga ngượng chín người:
-- Có một bận Nga ngồi xa tôi quá
Tôi bảo Nga ngồi xích lại gần hơn
Nga xích gần thêm một chút: tôi hờn
Nga ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Tôi sắp giận, Nga mỉm cười, vội vã
Đến kề tôi và mơn trớn: "Nga đây!"
Tôi vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay
Vì tôi nghĩ: thế vẫn còn xa lắm!

Nga không đủ can đảm đọc tiếp nữa. Nga gấp cuốn tập lại và đặt vào chỗ cũ. Tim đập thình thịch, Nga lấm lét nhìn ra cửa. Nga sợ Quỳnh về đột ngột. Quỳnh về đột ngột sẽ bắt gặp hành động vụng trộm của Nga, và nhất là Quỳnh sẽ biết Nga đã đọc thấy những tâm sự thầm kín của Quỳnh. Lúc ấy, hẳn Nga sẽ xấu hổ không biết để đâu cho hết.

Nhưng ngoài hiên không có ai. Quỳnh chưa về. Mẹ Quỳnh thì ngồi khuất sau cánh cửa. Nga đặt tay lên ngực để trấn tĩnh, rồi liếc về phía Ngoạn, kêu:
-- Về Ngoạn ơi! Chiều rồi!

Ngoạn quay lại, cụt hứng:
-- Chiều đâu mà chiều! Giờ này khoảng ba giờ là cùng!
-- Ba giờ mà chưa chiều? Chị còn phải về lau nhà.
-- Vậy chị về trước đi! Lát em về sau.

Thấy Ngoạn ù lì, Nga tính bước lại cốc cho nó một cái. Nhưng sợ giằng co với Ngoạn, rủi Quỳnh về tới. Nga hết đường tránh nên nó tặc lưỡi bước ra khỏi nhà.

Khi Nga chào về, mẹ Quỳnh tỏ ra vồn vã:
-- Ừ, cháu về. Khi nào thằng Quỳnh về, bác sẽ nói lại.

Rồi bà dặn vói theo:
-- Mai mốt rảnh ghé chơi nghen cháu!

Nga dạ nhỏ và vội vã rảo bước. Nó đi nhanh như chạy. Nga muốn đi thật xa căn nhà của Quỳnh nơi nó tình cờ phát hiện ra những tâm tư u uẩn của anh.

Trước đây, Nga không bao giờ nghĩ là Quỳnh yêu mình. Nga chỉ ngỡ Quỳnh chỉ mến Nga như Nga mến Quỳnh vậy thôi. Bao giờ Nga cũng coi Quỳnh là bạn. Vậy mà Quỳnh lại... kỳ cục quá chừng! Hóa ra những cuốn sách anh tặng, những băng nhạc anh đưa đều chứa đựng một tình cảm lặng thầm. Trong khi đó, mình như một con ngốc, Quỳnh đưa gì, mình lấy tất, khờ ơi là khờ! Khuôn mặt của Quỳnh bỗng dưng hiện lên trong trí Nga, một khuôn mặt thô kệch và xấu xí. Thời gian gần đây, Nga đã quen dần với diện mạo quái dị của Quỳnh. Nga chẳng thấy nó đáng sợ như ngày đầu gặp mặt nữa. Đối với Nga, những đường nét thô kệch đó dần dần trở nên bình thường, thậm chí có đôi khi tỏ ra đáng mến.

Nhưng bây giờ, mọi sự lại khác hẳn. Từ khi phát hiện Quỳnh đang âm thầm yêu mình, Nga cảm thấy lo âu và sợ hãi. Vẻ quen thuộc trên gương mặt Quỳnh biến mất. Nga chớp mắt, và trong đầu nó, cái mũi của Quỳnh to dần lên, vừa to vừa đỏ, và hai vành tai không ngừng phe phẩy như cánh bướm. Bất giác, Nga nhớ đến lời chòng ghẹo của Luận "Đũa mốc mà vọc mâm son, hai tai chàng vẫy như con bướm vàng". Và Nga khẽ rùng mình. Nga lắc đầu cố xua đuổi cái câu vè độc địa kia ra khỏi óc nhưng nó cứ nhởn nhơ bay lượn trong đầu Nga, vừa bay nó vừa kêu vù vù như một con ong đất.

Nga cứ ngỡ ngàng về chuyện Quỳnh yêu mình. Với Khải, điều đó rõ ràng hơn. Vì vậy, Nga dễ đối phó hơn. Nga biết mình phải làm gì. Với Quỳnh, Nga lúng túng hơn nhiều.

Trước đây, càng ghét Khải bao nhiêu, Nga càng "xích lại" gần Quỳnh bấy nhiêu. Trước sự tấn công ồ ạt của Khải, Nga tìm thấy ở Quỳnh một tình bạn lặng lẽ nhưng chân thành. Ở bên Quỳnh, Nga thấy lòng mình thanh thản và ấm áp. Nhưng bây giờ, sự thanh thản đó đã không còn nữa. Hóa ra, Quỳnh cũng yêu mình. Chỉ khác là Quỳnh không nói ra. Anh biểu lộ tình cảm bằng những sự chăm sóc ân cần và kín đáo.

Nhưng Quỳnh làm tất cả những điều đó để làm gì? Thật buồn cười. Nếu phải chọn một trong hai, lẽ nào mình lại chọn Quỳnh? Chỉ chơi với Quỳnh với tư cách bạn bè thôi cũng đã bị chế giễu tối mày tối mặt rồi. Huống hồ chi...

Mải nghĩ ngợi lan man, Nga về đến nhà lúc nào không hay. Nga bước vào phòng khách và lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc: chị Ngàn đang ngồi trò chuyện với Khải.

Vừa thấy Nga xuất hiện, Khải gật đầu chào và mỉm cười hỏi:
-- Nga đi đâu về đó?
-- Đi chơi.

Nga vừa đáp vừa cười với Khải, một nụ cười tươi thật tươi. Thái độ khác thường đó khiến Khải ngồi chết sững. Anh như không tin vào mắt mình. Và khi đã tin rồi thì trống ngực Khải lập tức vang lên từng hồi rộn rã.

Còn Nga, sau khi cười với Khải, Nga đi thẳng xuống bếp, vẻ giận dỗi. Nga chẳng giận Khải hay giận chị Ngàn. Nga chỉ giận mình. Nga giận nụ cười tươi rói của mình khi nãy. Không hiểu sao, Nga cảm thấy khó chịu về sự thay đổi thái độ của mình đối với Khải. Nó kỳ cục làm sao ấy!



Tối, Quỳnh về nhà, nghe mẹ nói có Nga đến chơi, anh sung sướng đến lịm người.

Từ lâu nay, Quỳnh hay nghĩ tới Nga. Thực ra Quỳnh cũng chẳng biết đó có phải là tình yêu hay không nhưng Quỳnh thường bắt gặp mình ngồi thẫn thờ bên cửa sổ hằng giờ và những lúc như vậy, Quỳnh chẳng nghĩ đến điều gì khác ngoài cô bạn gái cùng bàn. Anh thấy Nga nói cười, đi đứng y như Nga đang ở trước mặt anh, và những hình ảnh thân thuộc đó bao giờ cũng khiến lòng anh ấm áp và anh thường không ngăn được mình mỉm cười vu vơ.

Ngay từ ngày đầu gặp mặt, ngay từ lần đâu tiên bắt gặp ánh mắt của Nga, Quỳnh đã cảm thấy Nga không giống những người con gái khác. Trước những trò hề của anh, đôi mắt của Nga không ánh lên những tia sáng thỏa mãn hay cười cợt mà ngược lại, tràn đầy cảm thông, chia sẻ.

Suốt một thời gian dài sau đó, Nga đã đến với anh bằng một tấm lòng chân thành và sự hồn nhiên trong sáng. Nga không chọc ghẹo cũng không xa lánh anh như những cô gái khác. Nga trò chuyện với anh bình dị và thản nhiên. Nga coi anh là bạn.

Đúng, Nga chỉ coi anh là bạn. Quỳnh biết rõ điều đó. Và anh cũng chẳng mong mỏi gì hơn. Có một người bạn gái quí mến và chân thành, đối với Quỳnh, đó là một niềm vui sướng tột cùng. Còn nếu như anh có yêu Nga thì đó là chuyện riêng của anh. Quỳnh thừa hiểu chuyện tình cảm của mình sẽ chẳng đi đến đâu. Anh thấy nó xa vời làm sao. Vì vậy, Quỳnh luôn tự nhủ lòng, rằng mối tình ấy chỉ riêng mình biết, chỉ riêng mình hay. Quỳnh sẽ không bao giờ hé lộ cho Nga biết tâm trạng của mình. Mối tình của anh là mối tình câm lặng. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó một mình. Anh chép những câu thơ tình yêu vào sổ tay, anh viết tên người anh thầm yêu vào đó, cũng chỉ để mình anh đọc. Những lúc buồn bã ngâm nga, anh cứ tưởng như mình đang tâm sự cùng người yêu dấu để rồi sau đó lại bần thần ngồi ngắm những dây rau muống bò quấn quít bên nhau trên con lạch sau nhà. Đó là niềm vui của Quỳnh, cô đơn và thầm lặng.

Trước nay, Quỳnh vẫn sống như vậy, trong thế giới do anh tự dựng lên cho mình, cái thế giới vừa buồn rầu vừa rực rỡ trong đó pha trộn một ít hiện thực và vô số mộng mơ. Anh không mong Nga sẽ đáp lại tình yêu của mình. Anh chỉ cần Nga coi anh như bạn. Thế là đủ.

Và cô bạn yêu quý đó hôm qua đã lại đến thăm anh. Bảo anh không vui sao được !

Sáng hôm nay, Quỳnh đến lớp thật sớm. Anh nôn nóng được gặp Nga. Anh sẽ hỏi xem hôm qua Nga đến tìm anh có việc gì không. Nếu Nga cần gì, anh sẽ không bao giờ từ chối. Từ trước tới nay, anh chẳng sướng như tiên mỗi khi được làm vui lòng Nga đó sao?

Quỳnh đi nhanh như chạy.

Nhưng khi đụng đầu Nga trong lớp, nỗi nôn nao của Quỳnh nhanh :Dng biến mất. Vẻ mặt của Nga sáng nay mới lạnh lùng làm sao! Quỳnh cứ đinh ninh khi nhìn thấy Quỳnh, Nga sẽ cười hỏi "Hôm qua anh đi đâu?". Nhưng Nga chẳng nói gì. Thậm chí, vừa trông thấy Quỳnh ló đầu vô khỏi cửa, Nga đã vội quay mặt đi chỗ khác.

Đến khi vào học cũng vậy, Nga ngồi sát về phía Hạnh, bỏ Quỳnh côi cút ngoài đầu bàn.

Quỳnh chẳng hiểu gì cả. Lúc thằng Luận chưa "cải tà quy chánh", Nga lánh xa Quỳnh thì còn có lý do. Nhưng dạo này Luận hiền khô, cả tháng nay nó và đồng bọn không hề chọc Nga và Quỳnh lấy nửa câu, việc gì Nga phải ngồi xa Quỳnh đến thế.

Đã mấy lần, Quỳnh định quay sang nói chuyện với Nga nhưng thấy Nga cứ một mực làm ngơ, Quỳnh đành chép miệng làm thinh.

Đến giờ chơi, tình trạng càng tồi tệ hơn. Nga chẳng ngồi trong lớp trò chuyện với Quỳnh như trước. Mà nó tót ra sân cặp kè đi chơi với Hạnh. Quỳnh ngồi dán mình trên ghế, buồn bã nhìn theo. Ngồi trong lớp mà Quỳnh tưởng như mình đang ngồi giữa hoang đảo. Anh thấy mình lẻ loi còn hơn Robinson gấp ngàn lần.

Suốt buổi sáng hôm đó, Quỳnh chẳng chú tâm vào bài học lấy một phút. Đầu óc Quỳnh cứ bay bổng đâu đâu. Anh cứ loay hoay tìm cách cắt nghĩa thái độ khác thường của Nga. Nhưng càng mò mẫm, Quỳnh càng thấy rối rắm. Mọi thứ cứ rối tinh rối mù cả lên.

Chỉ khi về đến nhà, quẳng túi xách lên bàn, Quỳnh mới giật mình khi nhìn thấy cuốn "sổ tay tình yêu" nằm phơi mình lồ lộ trên chồng tập.

Buổi chiều Ngoạn qua, Quỳnh hỏi liền:
-- Hôm qua chị Nga ở chơi lâu không?
-- Lâu.
-- Lúc đó em làm gì?
-- Em hả? Em ngồi xem tụi thằng Thuận lắp máy.
-- Chị Nga có xem không?
-- Không. Chỉ đi vòng vòng.

Quỳnh nín thở:
-- Đi vòng vòng là đi đâu?

Ngoạn nhíu mày cố nhớ:
-- Chỉ đứng bên cửa sổ.

Quỳnh nuốt nước bọt:
-- Chỉ có lại đằng bàn học không?
-- Có, có! - Ngoạn sáng mắt lên - Em thấy chỉ đứng xem cái gì đó. Xem một hồi, chỉ kêu em về. Mà anh hỏi chi kỹ vậy?

Quỳnh chép miệng:
-- Hỏi cho biết vậy thôi. Để lần sau anh kêu mẹ anh tiếp chuyện với chỉ. Để chỉ đi vòng vòng... mỏi chân chết.

Cuộc "điều tra" ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa. Thế là rõ, Quỳnh rầu rĩ nhủ bụng, Nga đã đọc thấy những câu thơ "phạm thượng" của mình. Nga đã hiểu tất cả. Và Nga đã tỏ thái độ.

Quỳnh chẳng trách Nga. Anh chỉ giận mình sơ ý. Có cái "tài liệu mật" như vậy mà chẳng biết cất giấu, cứ để sờ sờ trên bàn như muốn chọc vào mắt thiên hạ, ai đứng đó mà chẳng lật ra xem.

Nhưng Quỳnh chẳng giận mình lâu. Anh nghĩ là số anh... xui. Chứ có trời mà biết Nga đến nhà anh vào đúng lúc đó. Rồng đến nhà tôm một lần đã là quá cỡ rồi, ai ngờ rồng lại cao hứng đến lần thứ hai. Lại đúng vào lúc tôm đi đẩy xe ba gác. Thế mới thành lớn chuyện!

Than thở cũng chẳng ích gì. Quỳnh ra tay hành động để mong cứu vãn tình hình. Anh lùng sục khắp nơi để thu một cuộn băng mới. Anh lựa những bản nhạc mà anh đoán là Nga thích.

Khi anh rụt rè đưa cuộn băng ra, Nga thờ ơ hỏi:
-- Gì vậy?
-- Băng nhạc mới. Toàn nhạc tiền chiến! - Quỳnh ngập ngừng quảng cáo.

Nga đáp gọn lỏn:
-- Vậy hả.

Rồi quay sang nói chuyện với Hạnh.

Quỳnh ngồi lóng ngóng một mình, thẹn thùng, xấu hổ. Anh tưởng như cái vật anh đang cầm trên tay không phải là cuộn băng nhạc mà là một khối sắt nghìn cân.

Vẻ lạnh lùng của Nga khiến Quỳnh chán nản. Anh đã tính nhét lại cuộn băng vào túi xách. Nhưng sau một hồi lưỡng lự, anh lại gọi khẽ:
-- Nga nè!

Anh phải kêu đến lần thứ ba, Nga mới quay lại, và vẫn cái giọng thờ ơ ấy hỏi anh:
-- Gì vậy?

Quỳnh ấp úng chìa cuộn băng:
-- Nga đem về nghe đi!

Nga nhăn mặt:
-- Nga đã nói anh là đừng có mua bất cứ thứ gì cho Nga nữa kia mà!

Quỳnh nài nỉ bằng một giọng tuyệt vọng:
-- Nga không lấy thì tôi cho Nga mượn. Chừng nào nghe xong, Nga trả lại.

Nga tặc lưỡi, vẻ khó chịu:
-- Nhưng Nga không mượn đâu! Cuộn băng này Nga có rồi!

Quỳnh thừa biết Nga nói dối, nhưng anh chẳng nói gì. Anh hiểu, thế là hết. Những cố gắng cuối cùng của anh chẳng đem lại được điều gì sáng sủa. Bây giờ thì không những tình yêu cũng chẳng, mà tình bạn cũng không. Quỳnh chợt nhớ đến những câu thơ mình chép trong cuốn "sổ đoạn trường" và bất giác anh lẩm nhẩm như nói với chính mình:

Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền
Không thể vô tình qua trước cửa
Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên?


Khải mừng như bắt được vàng.

Anh không ngờ Nga lại nhận lời đi xem phim với mình.

Hôm qua, Khải đưa cho chị Ngàn ba tấm vé mời. Tất nhiên Khải không nhắc gì đến Nga. Cả chị Ngàn cũng vậy. Từ lâu, cả hai đều hiểu Nga không thích tham gia những cuộc đi chơi có mặt Khải. Ngoài Khải và chị Ngàn, tấm vé thứ ba luôn luôn thuộc về Ngoạn. Trước nay vậy.

Vì vậy, Khải vô cùng ngạc nhiên khi đúng giờ hẹn, anh đạp xe đến nhà Nga, đã thấy Nga và chị Ngàn đứng chờ trước cổng.

Cho đến lúc đó, Khải vẫn chưa tin là Nga sẽ cùng đi chơi với anh và chị Ngàn. Anh đoán là Nga đang định đi đâu đó, không dính dáng gì đến lộ trình của anh. Cho nên sau khi mỉm cười chào Nga, Khải quay sang chị Ngàn hỏi:
-- Ngoạn đâu rồi?

Chị Ngàn mỉm cười:
-- Nó ở trong nhà.

Khải nhìn đồng hồ:
-- Chị kêu Ngoạn đi! Sắp đến giờ rồi!

Chị Ngàn vẫn cười cười:
-- Nó đâu có đi mà kêu!

Khải trố mắt:
-- Sao vậy?

Bây giờ Nga mới lên tiếng:
-- Nga đi thì Ngoạn phải ở nhà chứ sao!

Khải nghe tai mình ù đi. Anh nhìn Nga, giọng nửa tin nửa ngờ:
-- Nga nói thật không?

Nga "xí" một tiếng:
-- Nga giỡn chơi với anh làm gì!

Khải không hỏi nữa. Hỏi lung tung, rủi lỡ mồm lỡ miệng, Nga giận Nga ở nhà thì khốn. Anh lặng lẽ đạp xe đi, lòng vui như mở hội. Chị Ngàn chở Nga chạy song song bên cạnh. Anh nghe hai chị em trò chuyện thì thầm với nhau, chốc chốc lại bật cười khúc khích. Anh chẳng biết Nga và chị Ngàn nói với nhau những gì nhưng tự dưng anh bỗng muốn bật cười theo.

Cho đến khi vào trong rạp chiếu bóng rồi, Khải vẫn thấy người lơ lơ lửng lửng. Anh không tự cắt nghĩa được tại sao hôm nay Nga "tốt" với mình như vậy. Hay là chiến dịch "tấn công từ xa" của mình đã bắt đầu có hiệu quả. Theo "qui trình" đã tính toán, Khải chinh phục tình cảm chị Ngàn trước, rồi tới Ngoạn, sau đó tới "ông già" và cuối cùng mới "lấn chiếm" tới Nga. Nhưng về khoản "ông già" thì đến nay Khải vẫn chưa tiếp cận được. Ông thoạt ẩn thoạt hiện cứ như thám tử Sherlock Holmes, Khải "canh" mệt muốn chết.

Thằng Ngoạn thì nửa nạc nửa mỡ, chẳng biết đường nào mà lần. Đối với Khải, nó luôn luôn giữ một khoảng cách vừa phải, không xa xôi mà cũng chẳng gần gũi. Mỗi lần Khải đưa vé xem phim, xem ca nhạc thì nó đi, không thì nó lẩn. Khải chẳng có cách nào lân la, "dụ dỗ" nó được. Đỡ một cái là lúc này nó đã bớt tru tréo cái cụm từ "bạn chị Ngàn" mắc dịch kia. Tóm lại, đến nay chỉ có chị Ngàn là... theo phe Khải. Nhưng được sự ủng hộ của mỗi một chị Ngàn thì còn khuya mới đến đích nổi ! Lâu nay, Khải vẫn không ngớt than thầm về sự tiến bộ chậm chạp đó.

Thế mà chẳng hiểu sao hôm nay, Nga "đầu hàng" sớm như vậy trong khi theo nhận xét của Khải, sự đề kháng của Nga chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra suy yếu. Hay là Nga đã đến thời kỳ biết... rung động. Mình tới nhà thường xuyên, thoạt đầu Nga thấy ghét, nhưng dần dần Nga nhìn hoài quen mắt, thấy bớt ghét, và rốt cuộc chuyển qua... thương. Ông bà chẳng nói "đẹp trai không bằng chai mặt" là gì! Trong khi đó, mình vừa "chai mặt" lại vừa "đẹp trai", thứ nào cũng có, bảo Nga không xiêu lòng sao được! Suốt buổi chiếu phim, Khải cứ ngồi suy nghĩ lung, chẳng biết trên màn ảnh có những gì.

Càng nghĩ ngợi, Khải càng tưởng tượng ra đủ thứ, thứ nào cũng "phấn khởi". Phấn khởi nhất là hôm nay Khải được ngồi kế bên Nga. Mọi lần, Khải ngồi kế thằng Ngoạn bẻm mép, rầu chết được. Khi nãy, chị Ngàn ý tứ đi phía sau, nhường cho Khải và Nga vào trước. Nhờ vậy, Khải được ngồi gần Nga. Ngồi gần trong rạp hát đàng hoàng, hệt như Roméo và Juliette, chứ không phải ngồi gần "bất đắc dĩ" như thằng quỷ nhỏ. Ngồi gần nhau trong lớp thì chỉ là bạn bè thôi, chứ ngồi gần nhau trong rạp hát thì rõ chẳng phải là bạn bè. Chẳng phải là bạn bè nhưng là cái gì thì Khải không dám nghĩ tiếp. Nga ngồi sát rạt bên Khải, Khải sợ Nga sẽ nghe thấy những ý nghĩ trong đầu mình. Là cái gì thì về nhà mình sẽ nghĩ, Khải tự nhủ một cách sung sướng và láu lỉnh.

Lúc giải lao, đèn trong rạp bật sáng, Khải quay sang Nga, vui vẻ hỏi:
-- Phim hay không?

Nga gật đầu, không nhìn Khải.

Thấy Nga khen phim hay, Khải hào hứng rủ:
-- Phim tuần sau cũng hay lắm! Để tôi kiếm vé mời Nga đi xem!

Khải không ngờ Nga lắc đầu:
-- Tuần sau Nga không đi nữa đâu!

Nga làm Khải cụt hứng. Anh nhìn Nga, ngạc nhiên:
-- Sao vậy?
- Nga bận.

Khải nhíu mày:
-- Bận gì mà bận suốt tuần? Cũng có ngày Nga rảnh chứ?

Nga đáp lấp lửng:
-- Nga không biết trước được.

Câu trả lời của Nga chẳng có gì chắc chắn. Khải gặng hỏi:
-- Thế đến chừng nào Nga mới biết?
-- Chừng nào Nga biết thì Nga biết.

Giọng điệu của Nga khiến Khải thở dài. Đó không phải là câu trả lời. Đó là một câu đố. Có tài thánh Khải mới hòng giải ra. Niềm hy vọng của Khải bắt đầu bị lung lay. Từ nãy đến giờ, Khải đã tự ru mình vào một giấc mơ tuyệt diệu. Bây giờ, đột nhiên Nga "đánh thức" Khải dậy. Nga nói "chừng nào Nga biết thì Nga biết", Khải tỉnh liền. Và lập tức Khải thu mình vào sâu trong ghế, trở lại "thế thủ".

Để giúp Khải "phòng thủ" kín đáo, đèn trong rạp tắt đồng loạt, báo hiệu giờ giải lao đã hết. Ở bên cạnh, Nga và chị Ngàn tiếp tục xem phim. Còn Khải thì tiếp tục... nghĩ ngợi.

Khải không hiểu thái độ chập chờn vừa rồi của Nga mang ý nghĩa gì. Nếu Nga không thích Khải thì sao lại cùng Khải và chị Ngàn đi xem phim. Hay là Nga chán ngán? Vô lý. Chính Nga vừa khen phim hay đây mà! Hay là Nga... ngại ngùng? Tuần này đã đi xem phim với Khải, tuần sau lại đi nữa, Nga sợ Khải "coi thường" chăng? Có lẽ chính vì vậy mà Nga đã từ chối lời mời của Khải. Nhưng Nga cũng không từ chối hẳn. Nga chỉ nói lấp lửng. Khải chợt nhớ đến một câu nói, không biết của ai "khi người phụ nữ lắc đầu, có nghĩa là "có thể", còn khi họ nói "có thể" thì nên hiểu là họ gật đầu". Áp dụng câu nói tuyệt vời trên vào trường hợp của Nga, Khải thấy nó... trúng :Dc. Hẳn Nga chỉ từ chối lấy lệ. Nếu mình kiên trì hơn chút nữa, Nga sẽ đồng ý ngay thôi.

Trong thoáng chốc, Khải thôi buồn. Cũng thôi ray rứt. Những ý tưởng rạng rỡ rủ nhau kéo đến mỗi lúc một nhiều. Chúng bay lượn trong trí Khải như một bầy đom đóm. Chúng chiếu sáng trưng. Sáng gấp mấy lần ánh sáng trên màn ảnh.

Ổn định tư tưởng đâu đó xong xuôi, Khải ngước mắt nhìn lên, cố theo dõi nửa sau của câu chuyện trong phim. Bỏ mất phần đầu, bây giờ Khải chỉ hiểu lõm bõm, nhưng Khải vẫn cố căng mắt ra, thu nhận được chút nào hay chút nấy. Khải sợ lát nữa, khi ra về, chị Ngàn hoặc Nga trao đổi với Khải về nội dung phim, anh sẽ đực mặt ra như một thằng ngố.

Khải không biết rằng Nga cũng chẳng hơn gì anh. Nga ngồi dán mắt vào màn ảnh với vẻ chăm chú nhưng đầu óc Nga lại nghĩ ngợi đâu đâu. Khi nãy, Khải hỏi phim hay không, Nga gật đầu đại.

Trong thâm tâm, Nga chẳng muốn đi chơi với Khải chút nào. Nga không hiểu sao mình ghét Khải "dai" thế. Nhưng hôm nay Nga phải bấm bụng đi xem phim, chẳng qua là Nga muốn Quỳnh biết điều đó. Đằng nào, Ngoạn cũng sẽ kể lại với Quỳnh. Nhất là Ngoạn đang ấm ức vì bị Nga chiếm mất xuất mời quen thuộc của nó.

Từ ngày phát hiện ra tình cảm của Quỳnh, Nga rơi vào một tâm trạng hoang mang và sợ hãi. Mặc dù rất mến Quỳnh, Nga vẫn không thể nào tưởng tượng nổi anh là người yêu của mình. Cứ hình dung đến cảnh phải đi chơi bên cạnh một con người có cái mũi to tướng và hai vành tai cũng to tướng không kém, lại không ngừng ve vẩy, Nga bất giác rùng mình.

Quỳnh là một chàng trai tốt bụng nhưng điều đó không ngăn cản bạn bè sẽ chế giễu Nga. Trước đây, Luận chẳng đã châm chọc Nga và Quỳnh những "cú" nhớ đời đó sao! Mà đó là lúc giữa Nga và Quỳnh chưa có "chuyện" gì. Nếu... có gì, chắc chết! Rồi chị Ngàn nữa. Chị sẽ nghĩ như thế nào khi biết Nga lạnh lùng với Khải để chạy theo con người xấu xí kia. Hẳn chị sẽ cho Nga là một con điên.

Nhưng toàn bộ vấn đề không phải nằm ở chỗ đó. Cái chính là Nga. Trước sau, Nga chỉ xem Quỳnh là bạn. Cũng như Khải vậy. Quỳnh là người bạn dễ mến, Khải là người bạn khó ưa. Đối với Nga, đó là điểm khác nhau duy nhất giữa Khải và Quỳnh.

Khi Khải lì lợm "tiến tới" thêm một bước, Nga càng ghét Khải. Với Quỳnh, mọi chuyện không giống như vậy. Tình yêu của Quỳnh là một tình yêu cháy bỏng nhưng lặng lẽ. Nga biết được hoàn toàn do tình cờ. Và Nga chẳng cảm thấy ghét Quỳnh. Nga chỉ sợ. Nếu Quỳnh bộc lộ tình cảm ra như Khải, Nga sẽ dễ tỏ thái độ hơn. Đằng này, Quỳnh chẳng nói gì. Và có lẽ Quỳnh cũng chẳng biết Nga đã rõ mọi chuyện.

Trước một tình huống trớ trêu như vậy, Nga chẳng biết phải ứng xử như thế nào. Nga đành chọn giải pháp... xa lánh Quỳnh. Nhưng Quỳnh lại quá ngờ nghệch. Mới đây, anh lại đem băng nhạc tặng Nga. Chẳng còn cách nào hơn, Nga đành công khai đi xem phim với Khải. Nga hy vọng khi hay tin này, Quỳnh sẽ hiểu ra và anh biết anh nên làm gì.

Dĩ nhiên, cả Khải lẫn chị Ngàn, không ai hiểu được tâm trạng rối rắm của Nga. Thấy Nga chịu đi xem phim chung với mình và Khải, chị Ngàn mừng ra mặt. Chị vui vẻ trò chuyện luôn miệng. Cả Khải cũng vậy, mặt mày lúc nào cũng hí ha hí hửng.

Thái độ hào hứng của Khải khiến Nga có cảm tưởng như anh đã bỏ được trái tim của Nga vào trong túi mình rồi. Ý nghĩ đó khiến Nga cảm thấy bực bội. Vì vậy khi Khải rủ tuần sau đi xem phim, Nga từ chối ngay.

Chị Ngàn không biết cả Nga lẫn Khải đều say sưa theo đuổi những ý nghĩ riêng trong đầu hơn là theo dõi những diễn tiến trên màn ảnh. Cho nên lúc dong xe trên đường về, chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy Nga và Khải ấp a ấp úng trước những câu hỏi của chị về nội dung cuốn phim vừa xem.

Và khi nỗi ngạc nhiên qua đi, chị gật gù, ranh mãnh:
-- À, hóa ra mọi người ngồi thủ thỉ nói chuyện riêng với nhau suốt cả buổi phải không?



Nga đoán như thánh.

Hôm trước Nga đi xem phim với Khải, hôm sau Quỳnh biết liền. Anh buồn thỉu buồn thiu.

Thật ra, Quỳnh buồn chuyện Nga đi chơi với Khải thì ít mà buồn chuyện Nga tỏ ra lạnh nhạt với anh thì nhiều. Đối với Quỳnh, Nga đi chơi với ai, thậm chí Nga yêu ai, đó là chuyện riêng của Nga. Quỳnh sẽ buồn, nhưng Quỳnh chịu đựng được. Anh biết anh chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở Nga. Anh biết anh chẳng bao giờ len lỏi vào trái tim Nga được. "Đặc ân" đó dành cho người khác, không phải dành cho anh.

Ngược lại, nếu Quỳnh có "cả gan" yêu Nga thì đó cũng là chuyện riêng của Quỳnh. Trái tim anh có "quyền" hướng tới một hình bóng và mơ tưởng vẩn vơ. Anh chẳng cần Nga đáp lại tình yêu của anh. Tự nó, nó sống được. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó bằng những vần thơ chép đầy trong tập và bằng những giấc mơ mà anh không bao giờ kể lại với bất cứ ai.

Anh chỉ cần một điều: Nga hãy coi anh là bạn. Nga hãy trò chuyện với anh và đừng phũ phàng từ chối những chăm sóc thầm lặng của anh. Nga không giống những người con gái khác. Nga không xem anh là thằng hề chuyên làm vui cho lớp học. Vậy thì Nga hãy đừng đối xử với anh như những kẻ khác. Quỳnh thì thầm với chính mình. Đôi khi anh tưởng như anh đang bày tỏ nỗi lòng u uẩn của mình với Nga và Nga đang ngồi trước mặt vừa chăm chú nghe anh vừa mỉm cười dịu dàng và thông cảm.
-- Trăm sự cũng tại cuốn tập chết tiệt kia mà ra!

Bất giác, Quỳnh buông lời nguyền rủa. Chính cuốn tập đó là nguyên nhân của mọi tai họa. Sau khi đọc được những vần thơ đẫm nhớ thương trong đó, thái độ của Nga đối với Quỳnh lập tức thay đổi. Mà mình thì đâu có muốn vậy. Mình đâu có muốn Nga biết rõ tình cảm của mình làm chi. Quỳnh phiền muộn nhủ thầm.

Những ngày sau đó đối với Quỳnh là những ngày rất đỗi nặng nề. Năm học sắp kết thúc mà người bạn gái duy nhất của anh chừng như mỗi ngày mỗi vuột khỏi cuộc đời anh. Mà trái tim anh thì mỏng mảnh như tơ trời, đâu có níu giữ được ai. Nga chỉ khẽ vùng vẫy, nó đã đứt tung.

Mà Nga thì cứ "vùng vẫy" hoài. Nga chẳng thèm nhìn anh. Nga chẳng trò chuyện với anh như trước. Và cứ hễ chuông reo báo giờ chơi thì Nga vội vàng bỏ ra khỏi lớp.

Mỗi lần như vậy, Quỳnh chỉ còn cách ngồi đưa mắt nhìn theo. Vẻ thẫn thờ của Quỳnh khiến tụi bạn ưa chọc phá đâm chán. Chẳng đứa nào thèm trêu ghẹo anh nữa. Hai vành tai của Quỳnh dạo này cũng "hỏng" rồi. Chúng bị "trục trặc" một bộ phận nào đó, bạn bè điều khiển chẳng như ý muốn nữa. Biểu chúng vẫy, hứng thì chúng nhúc nhích, không hứng thì chúng nằm trơ, y như xe chết máy, chán ơi là chán! Vài lần như vậy, tụi bạn lảng hết.

Một hôm, Luận bước lại ngồi xuống bên Quỳnh, tò mò:
-- Làm gì mà mấy bữa nay mày buồn xo vậy?

Quỳnh chối:
-- Tao có buồn gì đâu!
-- Đừng xạo mày! Dòm mặt mày là tao biết liền!

Nghe Luận nói vậy, biết không thể chối được, Quỳnh ngồi im. Luận lại hỏi:
-- Mày buồn nhỏ Nga phải không?

Quỳnh giật thót:
-- Đâu có.

Luận tặc lưỡi:
-- Mày chỉ giỏi chối! Tao biết mày buồn nhỏ Nga.

Quỳnh lại làm thinh. Anh khụt khịt mũi thay cho câu trả lời.
-- Mày với nhỏ Nga lúc này không chơi với nhau nữa phải không? - Luận lại lên tiếng.

Quỳnh lặng lẽ gật đầu.

Luận thắc mắc:
-- Sao vậy?
-- Ai biết! - Quỳnh lại nói dối.

Luận ngẫm nghĩ một hồi rồi lại chép miệng:
-- Chắc là tại tao.

Quỳnh lắc đầu:
-- Không phải tại mày đâu! Lúc này mày đâu có trêu tụi tao nữa!
-- Chính vì vậy mà nhỏ Nga mới nghỉ chơi với mày. Chứ hồi tao còn chọc mày, nhỏ Nga bênh mày ra mặt. Tao càng chọc, hai đứa mày càng "sát cánh" bên nhau.

Lối lập luận của Luận khiến Quỳnh tức cười. Nhưng anh không cười nổi. Luận lại nói:
-- Vậy ngày mai tao bắt đầu chọc lại nghen?
-- Thôi, thôi! - Quỳnh vội vã xua tay - Mày đừng có giở trò đó ra nữa!

Luận cười hì hì:
-- Mày không muốn thì thôi! Nhưng tao phải làm gì để giúp mày chứ!
-- Tao chẳng cần.
-- Chẳng cần thì tao đi à!
-- Ừ, mày đi đi!

Luận đi thật. Nó bỏ ra ngoài hành lang. Dòm qua cửa sổ, thấy Quỳnh ngồi ủ rũ, Luận lắc đầu. Nó chẳng hiểu sao bạn gái bạn trai chơi với nhau thế nào cũng có hồi xích mích. Luận thì Luận chẳng thèm chơi với bọn con gái. Luận chỉ thích chọc cho tụi nó giãy nảy lên thôi.

Cả Hạnh cũng băn khoăn về thái độ của Nga đối với Quỳnh. Trong một lần cặp kè với nhau ngoài sân, Hạnh hỏi Nga:
-- Lúc này sao Nga cứ ra ngoài chơi hoài vậy?
-- Thì giờ chơi, phải ra chơi chứ!

Hạnh "xì" một tiếng:
-- Lúc trước đâu có vậy. Lúc trước Nga cứ ở hoài trong lớp.

Nga ậm ừ:
-- Thì hồi trước khác, bây giờ khác.
-- Khác sao?

Hạnh hỏi cắc cớ làm Nga không trả lời được. Nga ấp úng rồi nhăn nhó đáp:
-- Thì khác chứ khác sao!

Hạnh liếc Nga:
-- Khác là bây giờ Nga "nghỉ chơi" với Quỳnh chứ gì?

Túng thế, Nga phải gật đầu.
-- Có chuyện gì vậy? - Hạnh hỏi dò.
-- Chẳng có chuyện gì cả. Hết thích thì nghỉ chơi vậy thôi.

Vừa nói, Nga vừa ngó lơ chỗ khác.

Đột nhiên Hạnh khịt mũi:
-- Nga giấu Hạnh đó thôi. Nhưng Hạnh biết hết rồi.

Nga quay lại, thấp thỏm:
-- Hạnh biết gì?

Hạnh nheo mắt tinh nghịch:
-- Hạnh biết tại sao Nga nghỉ chơi với Quỳnh! - Rồi Hạnh kéo dài giọng - Bởi vì gần đây Nga đi chơi với Khải.

Nga hoảng hồn:
-- Ai nói với Hạnh vậy?

Hạnh chun mũi:
-- Cần gì ai nói. Chính mắt Hạnh trông thấy đàng hoàng. Hạnh thấy Nga với Khải đi xem phim. Bữa đó Hạnh cũng đi xem phim mà.

Hóa ra là vậy! Nga than thầm và tìm cách chống chế:
-- Hôm đó có cả chị Ngàn đi nữa.

Hạnh gật đầu:
-- Ừ, Hạnh cũng thấy cả chị Ngàn. Nhưng chị Ngàn ngồi ngoài rìa. Còn Nga và Khải ngồi kế nhau.

Những chi tiết Hạnh nêu khiến Nga giật bắn người. Nga rủa thầm: nhỏ Hạnh này quỉ quái thật! Chắc là bữa đó Hạnh ngồi phía sau mà mình không biết! Hú vía, may mà mình và Khải chẳng có gì!
-- Phải vậy không? - Hạnh cất lời, cắt đứt dòng suy nghĩ của Nga.

Nga hỏi lại, giọng cảnh giác:
-- Phải chuyện gì?
-- Phải đó là lý do Nga nghỉ chơi với Quỳnh?

Nga lắc đầu:
-- Không phải vậy đâu. Hạnh hiểu lầm rồi. Giữa Nga và Khải chẳng có gì hết. Chỉ là bạn thôi.

Hạnh vẫn chưa hết thắc mắc:
-- Bạn sao... thân quá vậy?

Nga thở dài:
-- Nga đâu có thân với Khải. Nhưng vì Khải hay qua nhà chơi với chị Ngàn, hai người đi xem phim, rủ Nga đi theo cho vui vậy thôi.
-- Té ra là vậy!

Hạnh gật gù. Bây giờ thì Hạnh tin lời Nga. Khi nói câu đó, vẻ mặt của Nga toát ra sự thành thật, thậm chí nó còn có vẻ buồn buồn. Nhưng nếu không phải vì Khải thì vì lý do gì Nga không thèm nhìn mặt Quỳnh nữa? Hạnh lặng lẽ đi bên Nga, trong đầu quay cuồng hàng trăm dấu hỏi. Nhưng rồi Hạnh cũng chẳng lần ra được đầu dây mối nhợ nào.

Trong khi đó, Quỳnh vẫn âm thầm chấp nhận số phận của mình. Anh chẳng trách Nga. Anh chỉ buồn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Quỳnh trải qua một nỗi buồn lớn lao như thế. Nó ngấm vào lòng anh từng giọt, từng giọt như tiếng mưa rơi rả rích trên mái tôn nhà anh vào những đêm đông lạnh. Trước khi gặp Nga, anh hồn nhiên biết bao. Anh thản nhiên chấp nhận cái vai mà bạn bè đã phân cho anh. Anh là đối tượng bị trêu chọc, anh bị xem như thằng hề chuyên mua vui cho đám đông. Anh chịu đựng tất cả những điều đó với sự lặng lẽ bình thản, mặc dù không phải không có lúc anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng dù sao, đó cũng là những nỗi khó chịu thoáng qua. Chúng khác xa với tâm trạng day dứt khổ sở mà anh đang gặp phải. Trong nhiều đêm trằn trọc, Quỳnh hiểu rằng quên đi người mình ghét bỏ thì dễ nhưng quên đi người mình yêu thương là chuyện khó tày trời.

Quỳnh buồn. Nhưng Quỳnh cố nén nỗi buồn xuống đáy lòng để tập trung đầu óc vào việc ôn thi học kỳ hai. Buồn Nga mới chỉ một, học hành chẳng ra gì, Quỳnh sẽ buồn gấp đôi. Vì vậy, Quỳnh cố sức.

Những ngày này, tàng phượng trong sân trường bắt đầu trổ hoa, báo tin mùa hè đã đến. Lũ ve thi nhau ồn ã trên những nhánh cây cao. Không khí lớp học náo nức hẳn lên, đặc biệt là vào những ngày thi cuối cùng. Bạn bè trong lớp đã bắt đầu thôi nghĩ đến chuyện sách vở. Từng nhóm tụm năm tụm ba kháo nhau những kế hoạch vui chơi trong dịp hè sắp đến.

Chỉ riêng Quỳnh là chẳng có kế hoạch gì.

Luận hỏi:
-- Hè này mày có đi chơi đâu không?

Quỳnh lắc đầu:
-- Chắc tao ở nhà.

Luận nheo mắt, ngờ vực:
-- Mày xạo! Nghỉ hè, ở nhà làm gì?

Quỳnh chép miệng:
-- Tao ở nhà chạy xe với chú tao.

Luận bật "à" một tiếng. Nó sực nhớ đến hoàn cảnh khó khăn của bạn. Ngẫm nghĩ một lát, Luận cầm tay Quỳnh, lay lay:
-- Vậy hè này tao sẽ đến chơi với mày.

Quỳnh thở dài:
-- Tao chạy xe suốt ngày, mày đến chơi với ai?
-- Thì tao sẽ đi theo mày. Khi nào mày mệt, tao sẽ đạp phụ.
-- Thôi đi!

Quỳnh nói, giọng không giấu được cảm động.

Luận phẩy tay:
-- Không có thôi gì hết! Hè này tao sẽ tới!

Luận nói cả quyết như đinh đóng cột.

Nhưng rồi Luận chẳng có dịp nào thực hiện được ý định tốt đẹp đó của mình.

Trước ngày bãi trường khoảng mười hôm, mẹ Quỳnh đi đứng loạng quạng sao đó, bị bé đập đầu vào ngạch cửa, đứt mạch máu não. Lúc đó, Quỳnh còn ở trường. Mấy đứa bé đang chơi trong nhà thấy vậy kêu toáng lên. Hàng xóm chạy qua, đưa mẹ Quỳnh vào bệnh viện.

Lúc về nhà, nghe mấy đứa nhỏ thuật lại, Quỳnh hốt hoảng chạy đến bệnh viện. Quỳnh gặp ông chú ở đó. Chú Quỳnh nói:
-- Mẹ cháu số còn lớn. Gặp người khác, đứt mạch máu não chắc đi luôn rồi.
-- Còn mẹ cháu thì sao hả chú? - Quỳnh lo lắng hỏi.

Chú Quỳnh thở dài:
-- Mẹ cháu chỉ bị... liệt nửa người thôi!

Nghe vậy, Quỳnh òa lên khóc.


ĐỌC TIẾP PHẦN 3

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 comments:

Post a Comment

 

© 2013 Blog Tổng Hợp. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top